Theo đài RT (Nga), trong cuộc thảo luận với các nghị sĩ tại Quốc hội Đức (Bundestag) hôm 14/10, ông Kahl chỉ ra rằng Nga đã vượt qua các quốc gia châu Âu về chi tiêu quân sự trong cuộc xung đột với Ukraine.
“Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tiếp tục thử thách các lằn ranh đỏ của phương Tây và tiếp tục leo thang cuộc đối đầu. Đối đầu quân sự trực tiếp với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã trở thành một lựa chọn của Moskva”, ông tuyên bố.
Vào tháng trước, ông Putin tuyên bố điều chỉnh học thuyết hạt nhân của Nga để ứng phó với khả năng leo thang xuất phát từ viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine, mà Moskva coi là sự tham gia trực tiếp của NATO vào cuộc xung đột. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Kiev tiếp tục gây sức ép buộc các nước phương Tây bật đèn xanh cho việc sử dụng vũ khí nước ngoài cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Ông Kahl tuyên bố mục tiêu cuối cùng của ông Putin là “đẩy Mỹ ra khỏi châu Âu” và khôi phục NATO về biên giới cuối những năm 1990. Theo ông, Moskva cũng tìm cách hình thành phạm vi ảnh hưởng của Nga và thiết lập trật tự thế giới mới.
Nga đã nhiều lần viện dẫn việc NATO tiếp tục mở rộng về phía Đông, cùng sự hợp tác quân sự của liên minh do Mỹ dẫn đầu với Ukraine, là một trong những nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột hiện nay.
Về phần mình, ông Putin cho biết Moskva ủng hộ mô hình quan hệ quốc tế đa cực mới, không bị ảnh hưởng bởi “chủ nghĩa đơn phương” của Washington.
“Nga và các đồng minh ủng hộ hình thành một trật tự thế giới công bằng, dựa trên các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế với vai trò then chốt của Liên hợp quốc”, ông Putin phát biểu trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS).
Tại một diễn đàn quốc tế ở Turkmenistan vào tuần trước, ông Putin giải thích rằng trật tự thế giới mới đang nổi lên phản ánh sự đa dạng của thế giới. Quá trình này là tất yếu và không thể đảo ngược. Trước đây, ông cũng nhấn mạnh Nga sẽ không tấn công một thành viên NATO trừ khi nước này bị tấn công trước.