Giải mã việc các nước lớn trong EU đi đầu tăng cường nhập khẩu LNG từ Nga

Việc các nước lớn trong EU như Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ dẫn đầu về nhập khẩu LNG từ Nga cho thấy một nghịch lý trong chính sách năng lượng của khối này. 

Chú thích ảnh
Nhập khẩu LNG từ Nga vào EU trong nửa đầu năm 2024 tăng mạnh, bất chấp cam kết tách rời khỏi nguồn cung cấp này. Ảnh: TASS

Theo Yann Caspar, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu châu Âu thuộc Đại học Mathias Corvinus, Budapest (Hungary) mới đây, mặc dù cam kết cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga, các quốc gia thành viên lớn của Liên minh châu Âu (EU) như Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ lại đang đứng đầu về việc tăng cường nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Moskva.

Trong bối cảnh Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhấn mạnh mục tiêu tách rời hoàn toàn khỏi nguồn năng lượng Nga, số liệu cho thấy xu hướng ngược lại, đặt ra nhiều câu hỏi về tính nhất quán trong chính sách năng lượng của EU.

Tình hình nhập khẩu LNG từ Nga

Trong nửa đầu năm 2024, lượng LNG mà châu Âu nhập khẩu từ Nga đã tăng thêm 11% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ chiếm tới 87% lượng nhập khẩu này, với Pháp dẫn đầu, tăng tới 120% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tập đoàn Total của Pháp đóng vai trò quan trọng khi nhập khẩu một lượng lớn LNG Nga và nắm giữ 20% cổ phần tại mỏ Yamal ở Siberia – một trong những nguồn cung cấp chính cho thị trường châu Âu. Cả Tây Ban Nha và Bỉ cũng đã nhập khẩu LNG của Nga nhiều hơn so với LNG từ Mỹ trong cùng giai đoạn.

Những con số này đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của các biện pháp giảm phụ thuộc năng lượng mà EU đang theo đuổi. Dù nhu cầu khí đốt tại châu Âu giảm và các quốc gia như Qatar và Mỹ được giới thiệu như những lựa chọn thay thế, việc nhập khẩu từ hai quốc gia này thực tế đã giảm. Hiện nay, 80% LNG sản xuất tại mỏ Yamal của Nga vẫn đang được xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Trước tình hình này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã nhiều lần chỉ trích những quốc gia mà bà cho là đang "tìm kiếm những cách thay thế để mua nhiên liệu hóa thạch từ Nga". Tuy nhiên, khi xem xét kỹ lưỡng các quốc gia thực sự đang dẫn đầu việc nhập khẩu, điều đáng chú ý là những nước lớn như Pháp, Bỉ và Tây Ban Nha lại không bị chỉ trích trực tiếp. Theo chuyên gia Caspar, vấn đề này khiến cho các nhà quan sát nghi ngờ về tính nhất quán trong thông điệp và hành động của EU.

Một số quốc gia thường xuyên bị chỉ trích về việc nhập khẩu năng lượng từ Nga, như Slovakia và Hungary, không thể chiếm khối lượng nhập khẩu lớn này do không giáp biển. Thực tế, khí đốt từ Nga chủ yếu được mua bởi các quốc gia lớn có hạ tầng năng lượng mạnh, sau đó giao dịch lại trên thị trường. Điều này khiến cho các tuyên bố chỉ trích từ phía EU trở nên mơ hồ, trong khi không có giải pháp cụ thể nào được đưa ra để đối phó với tình hình thực tế.

Tính hợp pháp của việc nhập khẩu

Chuyên gia Caspar lưu ý mặc dù có nhiều chỉ trích từ phía châu Âu về việc tiếp tục nhập khẩu năng lượng từ Nga, thực tế là các giao dịch này hoàn toàn hợp pháp theo luật pháp hiện hành. Hiện chỉ có hai giới hạn đối với việc nhập khẩu năng lượng từ Nga: thứ nhất là việc chuyển LNG từ Nga sang các nước thứ ba và thứ hai là nhập khẩu dầu từ Nga bằng đường biển. Trong khi đó, việc nhập khẩu khí đốt qua đường ống hoặc dạng hóa lỏng từ Nga vào thị trường châu Âu vẫn không chịu bất kỳ lệnh trừng phạt nào.

Tình hình này khiến cho các tuyên bố mạnh mẽ từ phía các lãnh đạo EU trở nên mâu thuẫn với thực tế, và tạo ra những rào cản trong việc xây dựng một chiến lược năng lượng nhất quán. Dù bà von der Leyen lo ngại về mối đe dọa do sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga, nhưng nếu không áp dụng các biện pháp đồng bộ cho tất cả các quốc gia thành viên, EU có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc đạt được các mục tiêu giảm hoàn toàn phụ thuộc vào năng lượng Nga.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo brusselssignal.eu)
Kế hoạch hội nhập của EU với Ukraine không bao gồm các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát
Kế hoạch hội nhập của EU với Ukraine không bao gồm các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát

Mặc dù Ukraine hiện chưa phải là thành viên của EU hay NATO, Brussels đã làm việc không ngừng trong nhiều năm để phát triển các khu vực trọng điểm cho sự mở rộng EU trong tương lai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN