Đức bình luận khả năng phản công của Ukraine, phớt lờ các đề xuất của Tổng thống Zelensky

Dẫn một số nguồn tin, tờ Bild đưa tin Bộ Quốc phòng Đức tin rằng Kiev sẽ không thể tiến hành phản công trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo ở Berlin ngày 16/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo nguồn tin, Bộ Quốc phòng Đức không tin Ukraine sẽ sớm có thể thực hiện phản công. Đồng thời, nguồn tin cho hay quân đội Đức (Bundeswehr) sẽ không tiếp tục cung cấp vật tư hạng nặng cho Ukraine.

“Việc chuyển giao đã hoàn tất”, tờ báo viết, trích dẫn một tài liệu nội bộ của Bộ Quốc phòng Đức. Do đó, Berlin sẽ không cung cấp thêm xe tăng Leopard 2 cho Kiev, mặc dù lực lượng vũ trang Đức vẫn có khoảng 300 xe tăng chiến đấu chủ lực này trong kho.

Theo báo cáo, quyết định tương tự cũng được áp dụng với xe chiến đấu bộ binh và lựu pháo tăng.

Cũng theo tờ Bild, Berlin đã phớt lờ 2 yêu cầu chính mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề xuất trong chuyến công du châu Âu vừa qua, theo “kế hoạch chiến thắng” của ông. Hai yêu cầu này bao gồm bật đèn xanh cho các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga (yêu cầu phải có tên lửa Taurus của Đức, cùng một số yêu cầu khác) và đẩy nhanh tư cách thành viên Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho Ukraine.

“Thủ tướng Đức Olaf Scholz không đưa ra câu trả lời ‘không’ dứt khoát, nhưng cũng không có câu trả lời tích cực nào. Hơn nữa, việc ông Scholz nói về khoản viện trợ hàng tỷ USD đã cam kết cho Ukraine tại một cuộc họp báo với ông Zelensky chỉ là lời nói suông”, tờ Bild viết. Gói viện trợ này không bao gồm bất kỳ vũ khí mới nào vì số tiền và các dự án được đề cập trên thực tế đã được phê duyệt và viện trợ vào năm ngoái.

Đức là nhà cung cấp quân sự lớn thứ hai cho Ukraine, sau Mỹ vào thời điểm hiện tại. Quốc gia này đã phân bổ kinh phí để hỗ trợ quân sự cho Kiev và cam kết chi trả cho các khoản chi phí trong tương lai lên tới khoảng 28 tỷ euro. Tuy nhiên, so với năm nay, Đức sẽ giảm một nửa viện trợ quân sự cho Ukraine trong năm 2025, theo dự thảo ngân sách.

Về phần mình, Moskva đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ xung đột ở Ukraine biến thành một cuộc chiến tranh nóng với NATO nếu khối này cho phép Kiev sử dụng các hệ thống tầm xa để tấn công Nga.

Xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài hai năm rưỡi mà chưa có dấu hiệu chấm dứt. Hôm 12/10, Nga tuyên bố lực lượng nước này đã phát động các cuộc tấn công trên diện rộng vào các cơ sở năng lượng của Ukraine. 

Theo đó, lực lượng Moskva đã tiến hành các cuộc tấn công hiệu quả các địa điểm lưu trữ vũ khí và các cơ sở năng lượng của các thực thể quân sự Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng của Nga đã tiếp tục trấn áp cuộc tấn côn lược của Ukraine vào khu vực Kursk.

Trong khi đó, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine cùng ngày tuyên bố quân đội của họ đã có 94 trận giao tranh với lực lượng Nga ở các khu vực tiền tuyến ở miền Đông Ukraine tính đến chiều ngày 12/10. Các trận chiến ác liệt nhất xảy ra theo hướng Kurakhovo.

Phía Ukraine cũng cho biết quân đội của họ đang giữ vững vị trí và đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga.

Video Nga tấn công các cơ sở năng lượng của Ukraine (Nguồn: Reuters):

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo TASS, Sputnik)
Chuyến công du con thoi tới loạt nước châu Âu của Tổng thống Ukraine
Chuyến công du con thoi tới loạt nước châu Âu của Tổng thống Ukraine

Mục tiêu của Tổng thống Zelensky là tìm kiếm thêm vũ khí và tài chính từ phương Tây nhằm tăng cường năng lực quốc phòng và củng cố quan hệ ngoại giao với các nước đối tác châu Âu. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN