Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Angel Gurria khẳng định, sự phối hợp này thậm chí phải lớn hơn cả Thỏa thuận Mới từ những năm 30 của thế kỷ trước và Kế hoạch Marshall, tái thiết châu Âu sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Ông Gurria nhấn mạnh suy thoái toàn cầu đang ngày càng có nguy cơ xảy ra ngay trong 6 tháng đầu năm 2020 và “chúng ta phải hành động ngay từ bây giờ để tránh khả năng suy thoái”. Trong tuyên bố đưa ra cuối tuần qua, ông Gurria khẳng định: "Chỉ có nỗ lực phối hợp quốc tế quy mô và đáng tin cậy mới có thể giúp thế giới đối phó với tình trạng khẩn cấp về y tế hiện nay, xoa dịu tác động của cú sốc kinh tế và mở đường hướng tới sự phục hồi."
Các chính phủ đang công bố các gói chi tiêu khổng lồ để giảm thiểu những tác động được đánh giá là còn nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008. Song cho đến nay, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) vẫn chưa có kế hoạch hành động chung nào.
Theo Tổng Thư ký OECD, các chính phủ phải hợp tác nhằm đảm bảo đạt được tiến bộ trên mặt trận khoa học, như nghiên cứu vắc-xin và thử nghiệm với quy mô lớn. Trên mặt trận kinh tế, ông cho rằng các chính phủ nên giải quyết các lĩnh vực như trợ giúp tiền mặt trực tiếp cho những người tự kinh doanh, đối tượng mà ở nhiều nước không nhận được các hỗ trợ dành cho những người làm việc toàn thời gian và làm việc có lương. Ông Gurria cũng kêu gọi chính phủ các nước mở rộng hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ và du lịch.