OECD giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 còn 2,4%

Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang đẩy kinh tế thế giới rơi vào tình trạng giảm sút nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã đưa ra cảnh báo trên, đồng thời hối thúc chính phủ và ngân hàng trung ương các nước có biện pháp ứng phó để ngăn chặn nguy cơ kinh tế giảm sâu hơn nữa. 

Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới cập nhật và công bố ngày 2/3, OECD đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020 còn 2,4%, so với dự báo 2,9% đưa ra hồi tháng 11/2019. Nếu dự báo này xảy ra, đây sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất của kinh tế thế giới kể từ năm 2009. 

Chú thích ảnh
Công nhân vận hành xe chở ô tô con tại Công ty ô tô Trường An ở Trùng Khánh, Trung Quốc ngày 11/2/2020. Ảnh: THX/TTXVN

OECD cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi vào năm 2021 với mức tăng trưởng dự báo lên tới 3,3%, căn cứ trên đánh giá dịch bệnh tại Trung Quốc đã lên đến đỉnh điểm trong quý I/2020 và việc dịch bệnh bùng phát nhiều nơi trên thế giới hiện nay chỉ ở mức độ vừa phải. 

Tuy nhiên, OECD cho rằng kinh tế thế giới có khả năng giảm xuống mức 1,5% trong năm 2020 nếu dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 lan rộng khắp châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Ở kịch bản này, nhà kinh tế trưởng của OECD, bà Laurence Boone cho rằng đà suy giảm này sẽ đẩy nhiều nước vào tình trạng suy thoái, do đó, thế giới cần nhanh chóng có ngay các biện pháp ứng phó tại các địa phương có dịch.

Cụ thể, theo bà, chính phủ các nước cần hỗ trợ hệ thống y tế bằng cách trả thêm thu nhập và giảm thuế cho những người phải làm việc quá thời gian hoặc đang theo cơ chế làm việc ngắn hạn cho các công ty hiện đang phải chật vật duy trì sự tồn tại do nhu cầu hàng hóa sản xuất giảm. Cùng với đó, chính phủ các nước cần hỗ trợ tài chính các doanh nghiệp thông qua cắt giảm chi phí đầu vào, ngừng đánh thuế giá trị gia tăng và cung cấp các khoản vay khẩn cấp cho những ngành đặc biệt gặp khó khăn, như du lịch. 

Cùng với đó, các ngân hàng trung ương có thể đưa ra những tín hiệu xoa dịu thị trường tài chính hiện đang chịu nhiều áp lực thông qua tuyên bố sẵn sàng nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc tăng khả năng thanh khoản cho các ngân hành nếu thấy cần thiết.     

Trên thực tế, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) trong vài ngày qua cũng đã trong tư thế sẵn sàng đưa ra biện pháp trong trường hợp cần thiết.

Theo đánh giá của OECD, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục xấu đi, sự ứng phó đồng bộ của các ngân hàng trung ương trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ và kích thích kinh tế, sẽ góp phần thúc đẩy tới 0,5% mức tăng trưởng trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu thêm 1,2% trong 2 năm. 

Với kịch bản tình hình dịch bệnh không xấu thậm tệ và kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ sụt giảm trong năm nay, OECD dự báo mức tăng trưởng của nền kinh tế số 2 thế giới này trong năm 2020 sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm ở mức 4,9% - giảm so với dự báo 5,7% được cơ quan này đưa ra hồi tháng 11/2019. OECD cho rằng kinh tế Trung Quốc năm 2021 sẽ hồi phục trở lại thời điểm trước dịch, với mức tăng trưởng 6,4%. 

Tại khu vực sử dụng đồng euro - khu vực hiện dịch bệnh đang có dấu hiệu lan nhanh, OECD dự báo kinh tế châu Âu trong năm 2020 tăng trưởng 0,8%, giảm so với mức dự báo 1,1% đưa ra hồi tháng 11/2019.

Với Mỹ, OECD cho rằng dịch bệnh có ảnh hưởng hạn chế đối với tăng trưởng kinh tế nước này. Dự báo, kinh tế Mỹ sẽ tăng 1,9%, giảm 0,1% so với dự báo trước đó. Đến năm 2021, OECD dự báo nền kinh tế số 1 thế giới sẽ tăng 2,1%.

Lan Phương (TTXVN)
Ngành du lịch và hàng không toàn cầu chịu tác động nghiêm trọng do dịch COVID-19
Ngành du lịch và hàng không toàn cầu chịu tác động nghiêm trọng do dịch COVID-19

Cố vấn Tổ chức Du lịch Thế giới Saeed el-Batouti đánh giá sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành du lịch và hàng không toàn cầu, đồng thời tạo ra trở ngại lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN