Nhân viên cứu hỏa Indonesia nỗ lực dập các đám cháy rừng tại Banyuasin, Nam Sumatra ngày 7/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Jarkarta đã chấp nhận sự trợ giúp của quốc tế, mở ra cơ hội phối hợp giải quyết vụ ô nhiễm khói mù được xem là tồi tệ nhất trong gần 10 năm trở lại đây, có nguy cơ vượt qua cả thảm họa cháy rừng năm 1997 từng gây thiệt hại tới 9 tỷ USD ở "đất nước vạn đảo".
Có lẽ quy mô vượt khỏi tầm kiểm soát của vụ việc đã buộc Indonesia không thể khăng khăng coi đây là vấn đề nội bộ, dù nước này đã huy động hơn 25.000 nhân lực, hàng trăm phương tiện cùng nhiều biện pháp dập lửa. Ô nhiễm không khí lên tới mức nguy hiểm từ các vụ cháy khiến hơn 80.000 người Indonesia mắc bệnh hô hấp, buộc Singapore và Malaysia phải ban bố tình trạng khẩn cấp, đóng cửa hàng trăm trường học, hủy nhiều sự kiện quan trọng.
Tình hình ngày càng tồi tệ khi khói mù tiếp tục lan về phía Bắc, ảnh hưởng tới 7 tỉnh miền Nam Thái Lan, thậm chí gây ra tình trạng mù khô ở Thành phố Hồ Chí Minh trong mấy ngày qua. Theo tính toán, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng qua, cháy rừng ở Indonesia đã thải ra khoảng 600 triệu tấn khí gây hiệu ứng nhà kính, tương đương toàn bộ lượng khí thải hàng năm của Đức.
Thế nhưng, nút thắt vừa được tháo gỡ mới chỉ là một trong số rất nhiều những vướng mắc cản trở việc giải quyết một trong những vấn đề hóc búa lặp đi lặp lại nhiều năm qua. Khói mù từ các đám cháy trên đảo Sumatra từng là “thủ phạm” gây ra không ít căng thẳng trong quan hệ giữa Indonesia và Singapore hay Malaysia. Có lúc, tình trạng khói mù nghiêm trọng tới mức đích thân Tổng thống Indonesia phải xin lỗi các nước láng giềng bị ảnh hưởng.
Cũng từ lâu, hoạt động của các công ty sản xuất dầu cọ và nông dân Indonesia đốt rừng mở rộng diện tích trồng trọt, hay để phát quang đất đai trước khi canh tác, đã được xác định là nguyên nhân chính gây ra thảm họa. Indonesia cũng đưa ra nhiều biện pháp răn đe, như mức phạt 10 tỷ rupiah (khoảng 16 tỷ đồng) và mức án 10 năm tù.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ chi phí đốt gốc cọ để làm sạch đất chỉ mất khoảng 7 USD/ha, còn những phương án khác thường tiêu tốn khoảng 150 USD/ha.
Ngành sản xuất dầu cọ đem lại việc làm trực tiếp cho 4,9 triệu lao động Indonesia, mang lại nguồn thu xuất khẩu lớn thứ hai cho quốc gia này, chỉ sau dầu khí. Bởi vậy, nhu cầu mở rộng diện tích trồng dầu cọ luôn cấp thiết. Nút thắt lớn nhất ở đây chính là thiếu một chính sách tổng thể mang tính dài hạn, trong đó quyền lợi và nghĩa vụ của các bên phải song hành để các công ty và người dân thu lợi từ đất và rừng một cách bền vững.
Phát triển một ngành dầu cọ “xanh” và thân thiện với môi trường trong điều kiện hiện nay là bài toán khó, song không có nghĩa là không có lời giải. Mọi nút thắt đều cần phải được tháo gỡ nếu không muốn câu chuyện đốt rừng gây khói mù tiếp tục hủy hoại môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của người dân cũng như làm tổn hại quan hệ giữa các nước láng giềng trong khu vực.