Nước Nga trước sự mất giá của đồng nội tệ

Thời gian qua, đồng nội tệ Nga liên tục mất giá so với đồng USD. Điều này không khỏi gây lo ngại trong dư luận xã hội.

Bà Elvira Nabiullina tin tưởng vào sức mạnh của đồng rúp Nga.

Báo Độc lập (Nga) ngày 17/2 dẫn nhận định của Phó Thủ tướng thứ nhất phụ trách khối kinh tế - tài chính Nga Igor Shuvalov cho rằng, đồng rúp sẽ còn tiếp tục bị cuốn vào "những bước phiêu lưu dài". Trong khi đó, bà Elvira Nabiullina, cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Nga, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR), cho biết chính quyền sẽ bảo vệ người dân trước mối lo ngại tiền tệ đang ngày một lớn, đồng thời cũng bày tỏ sự tin tưởng vào sức mạnh của đồng rúp Nga.


Tính đến thời điểm hiện nay, người dân Nga giữ trong tài khoản ngân hàng hơn 13.000 tỉ rúp. Nếu sự bất ổn của đồng rúp khiến người dân đổ xô đi chuyển đổi sang đồng tiền mạnh hơn, chắc chắn sẽ dẫn tới sự sụp đổ hệ thống tài chính vì không thể có đủ nguồn dự trữ ngoại tệ có thể đáp ứng nhu cầu đồng thời của mọi công dân. Để tránh sự hoảng loạn tiền tệ, CBR và Chính phủ Nga ra sức nỗ lực trấn an người dân, vốn đang lo ngại về sự mất giá của đồng rúp và có thể có những hành động tự phát nguy hại. Tuy nhiên, bài viết cũng nhận định hiện người dân Nga về cơ bản vẫn giữ được bình tĩnh. Và thực tế chỉ có một bộ phận thiểu số chuyển đổi đồng rúp ra ngoại tệ.


Đa số người Nga theo dõi biến động tỷ giá, nhưng họ không vội vàng chuyển đổi đồng rúp. Đây là kết quả một cuộc khảo sát được tiến hành hồi nửa đầu tháng 2 vừa qua, với sự tham gia của 1.600 người. 51% cho biết có nhận thấy sự mất giá của đồng nội tệ, song chỉ có 4% trong số này cho biết đã đổi tiền rúp ra ngoại tệ và 1% nói rằng đã chuyển đổi ngoại tệ ra đồng rúp.


Một cuộc khảo sát khác do Quỹ Công luận (FOM) tiến hành theo đơn đặt hàng của CBR, cho thấy số người giữ tiền tiết kiệm bằng đồng nội tệ có giảm, chỉ còn 64% so với tỷ lệ 73% ở thời điểm tháng 3/2013. Trong khi đó, số người giữ tiền tiết kiệm bằng ngoại tệ tăng từ 15 đến 22%.


Tuy nhiên, cuộc điều tra của FOM cũng cho thấy 82% bi quan cho rằng đồng rúp sẽ còn tiếp tục giảm giá trong tháng tới, và đây là kỷ lục bi đát mà FOM ghi nhận được. Tâm trạng bi quan về tương lai đồng nội tệ cần phải được chính phủ và cụ thể là CBR nắm rõ, từ đó có chiến lược và sách lược trấn an nhân dân, bởi nếu xảy ra một tâm lý hoảng loạn liên quan tiền tệ trong dân chúng, chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường cho hệ thống tài chính.


Phó Thủ tướng thứ nhất Igor Shuvalov kêu gọi người dân không nên tin vào các doanh nhân lười biếng, lợi dụng sự suy yếu của đồng rúp để tăng giá một cách vô căn cứ.


Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Chính phủ Nga "hoan nghênh" một đồng rúp linh hoạt hơn, vì nó có thể giúp vực dậy nhịp độ tăng tưởng kinh tế. Thậm chí các chuyên gia kinh tế còn lạc quan cho rằng dường như đây là cơ may của nước Nga, khi mà phần lớn ngân sách liên bang tùy thuộc vào tổng kim ngạch xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Hóa đơn bán năng lượng cho nước ngoài luôn được tính bằng USD. Giữa lúc đồng nội tệ của Nga trượt xuống mức thấp nhất của 5 năm qua trong giỏ tiền tệ có đồng USD và đồng euro, Tổng thống Putin cho biết, CBR hiện chỉ tham gia một phần vào quá trình điều chỉnh tiền tệ và đồng nội tệ của Nga càng tự do thì "càng tốt", vì nó buộc nền kinh tế phải vận hành hiệu quả hơn.


Dù thế nào, thì hiện tượng đồng rúp mất giá không hẳn là một tin vui đối với người tiêu dùng. Thứ nhất, do tất cả các món hàng nhập khẩu đều sẽ trở nên đắt hơn, đe dọa lạm phát và mãi lực bị thu hẹp lại là những rủi ro có thực và là mối ưu tư số 1 của người dân. Thứ hai là dư luận nước này vẫn còn bị ám ảnh bởi những đợt đồng rúp phá giá liên tục kể từ khi Liên Xô sụp đổ, cho dù Tổng thống Putin mới đây khẳng định Nga sẽ không phá giá đồng nội tệ.


Quế Anh (P/v TTXVN tại LB Nga)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN