Theo ông Oktory Prambada, một quan chức thuộc Trung tâm giảm thiểu rủi ro núi lửa và địa chất, cơ quan chức năng Indonesia duy trì cảnh báo mức cao thứ 2 về mức độ nguy hiểm của ngọn núi sau vài đợt phun trào. Lực lượng chức năng nước này cũng đã áp đặt lệnh phong tỏa khu vực bán kính 5km quanh miệng núi lửa.
Năm 2018, một phần miệng núi lửa đã bị sụt lở khi xảy ra đợt phun trào lớn, khiến một lượng lớn dung nham đổ xuống biển, gây sóng thần khiến trên 400 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương.
Anak Krakatoa nằm ở eo biển ngăn cách các đảo Java và Sumatra. Ngọn núi này hoạt động không thường xuyên kể từ khi lộ thiên vào đầu thế kỷ trước từ trong miệng ngọn núi lửa được hình thành sau vụ phun trào núi Krakatoa năm 1883. Đây là một trong những thảm họa nguy hiểm, gây thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử Indonesia với ước tính 35.000 người thiệt mạng.
Indonesia, một quốc gia quần đảo ở Đông Nam Á, nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi các mảng lục địa gặp nhau gây ra nhiều hoạt động địa chấn và núi lửa. Hiện quốc gia Đông Nam Á này có gần 130 ngọn núi lửa đang hoạt động.