Diễn biến bất ngờ về triển vọng hòa bình Ukraine
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh tư liệu: AA/TTXVN
Ngày 12/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận đã điện đàm với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin và sau đó trao đổi cùng người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Tổng thống Trump cho biết ông tin rằng cả lãnh đạo Nga và Ukraine đều mong muốn hòa bình.
Đáng chú ý, Tổng thống Trump lần đầu tiên công khai bày tỏ quan điểm rằng việc Kiev gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là không thực tế và khó có khả năng Ukraine thu hồi lại toàn bộ lãnh thổ của nước này.
Về phần mình, Tổng thống Zelensky xác nhận nhà lãnh đạo Mỹ Trump đã chia sẻ về cuộc điện đàm của ông với Tổng thống Putin. Bên cạnh đó, ông Zelensky đánh giá cao "quan tâm thực chất của Tổng thống Mỹ" về các cơ hội chung và phương pháp có thể cùng mang lại hòa bình thực chất.
Tuy nhiên, đang diễn ra tranh cãi về những bên sẽ góp mặt trong bàn đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt xung đột Nga-Ukraine.
Tổng thống Zelensky, ông nhấn mạnh: "Ukraine với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào thiếu vắng chúng tôi”.
Phát biểu với kênh CNN (Mỹ) hôm 13/2, Bộ trưởng Quốc phòng Litva Dovile Sakaliene lưu ý rằng châu Âu đã cung cấp cho Ukraine 125 tỷ USD viện trợ vào năm 2024 và trong khi Mỹ là 88 tỷ USD. Và bà kết luận: "Vậy nên tôi nghĩ châu Âu đã giành được một vị trí tại bàn đàm phán".
Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Kaja Kallas bày tỏ quan điểm: "Rõ ràng là bất kỳ thỏa thuận nào sau lưng chúng ta đều không hiệu quả. Bạn cần châu Âu, cần Ukraine".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: PAP/TTXVN
Cùng ngày 13/2, Tổng thống Trump cho biết Ukraine sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình với Nga. Phát biểu với các phóng viên tại Nhà Trắng, ông Trump khẳng định Ukraine sẽ có một ghế trong mọi cuộc đàm phán hòa bình với Nga về chấm dứt xung đột. Tổng thống Mỹ nói: "Họ là một phần của đàm phán. Sẽ có Ukraine, Nga và những người khác tham gia, rất nhiều người”.
Bên cạnh đó, ông Trump cũng tiết lộ với các phóng viên rằng sẽ có một cuộc họp của các quan chức cấp cao từ Nga, Mỹ và Ukraine tại Saudi Arabia vào tuần tới, nhằm mục đích chấm dứt xung đột.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ rằng Ukraine "đương nhiên" sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình theo một cách nào đó, nhưng dự kiến có một lộ trình đàm phán song phương giữa Mỹ và Nga.
Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), chưa có cuộc đàm phán hòa bình nào về Ukraine được tổ chức kể từ những tháng đầu của cuộc xung đột cho đến nay, sau 3 năm chiến sự. Người tiền nhiệm của Tổng thống Trump - ông Joe Biden đã bật đèn xanh cho hàng tỷ USD viện trợ quân sự và các khoản viện trợ khác cho Ukraine và không hề liên lạc trực tiếp với nhà lãnh đạo Nga Putin.
Chính phủ Mỹ quyết liệt tinh giản nhân sự
Nhà Trắng tại Washington, D.C. (Mỹ). Ảnh: Kyodo/TTXVN
Chính quyền Tổng thống Trump trong tuần qua đã tăng cường nỗ lực toàn diện, nhằm giảm “quân số” lực lượng lao động liên bang. Tổng thống Trump vào ngày 11/2 đã ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu lãnh đạo các cơ quan bộ ngành chính phủ lên kế hoạch tinh giảm nhân sự trên diện rộng.
Tờ The Hill ngày 13/2 đưa tin, Văn phòng Quản lý nhân sự Mỹ (OPM), cơ quan giám sát lực lượng lao động dân sự của chính phủ, đã chỉ thị cho lãnh đạo các cơ quan sa thải gần như toàn bộ nhân viên thử việc, ảnh hưởng tới tổng cộng 200.000 người.
Trước đó, OPM thông báo kế hoạch giảm số nhân viên chính phủ với người lao động sẽ nhận được 8 tháng tiền lương để thôi việc. Những người không chấp nhận đề nghị này có thể bị sa thải trong tương lai. Theo Nhà Trắng, có khoảng 75.000 người lao động đã chấp nhận khoản đền bù của chính phủ để nghỉ việc tự nguyện
Truyền thông Mỹ đưa tin, ban lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) vào sáng 14/2 đã nhận thông báo về quyết định cắt giảm 1.300 nhân viên. CDC vốn nhận nhiệm vụ bảo vệ người Mỹ khỏi dịch bệnh và các mối đe dọa khác đối với sức khỏe cộng đồng. Trước khi bị cắt giảm nhân sự, CDC có khoảng 13.000 nhân viên, trong đó có hơn 2.000 nhân viên làm việc ở nước ngoài.
Ngày 15/2, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) thông báo đã chấm dứt hợp đồng với 388 nhân viên được tuyển dụng trong hai năm qua. EPA nhấn mạnh đã xem xét kỹ lưỡng các chức năng của cơ quan theo lệnh hành pháp của Tổng thống Trump, trước khi ra quyết định chấm dứt hợp đồng với người lao động. EPA có tổng cộng hơn 15.000 nhân viên, đồng nghĩa với việc đợt sa thải mới nhất ảnh hưởng đến khoảng 3% tổng số người lao động của họ.
Ngày 13/2, chính quyền của Tổng thống Trump yêu cầu các đại sứ quán Mỹ trên toàn cầu chuẩn bị cho việc cắt giảm nhân sự. Theo các nguồn thạo tin, một số đại sứ quán đã nhận được chỉ thị xem xét cắt giảm 10% nhân sự, trong đó có cả nhân viên Mỹ và địa phương.
Tổng thống Trump đã giao cho Bộ Hiệu quả chính phủ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk đứng đầu thực hiện đợt cắt giảm quy mô lớn đối với lực lượng lao động dân sự liên bang gồm 2,3 triệu người. Trong khoảng 3 tuần qua, DOGE đã đi khắp các cơ quan chính phủ, nghiên cứu hệ thống máy tính, đào sâu vào ngân sách và tìm kiếm những gì được cho là lãng phí, gian lận và lạm dụng.
Tổng thống Trump cho rằng chính phủ liên bang đã phình to và có quá nhiều tiền bị lãng phí, gian lận. Bên cạnh đó, có sự đồng thuận từ lưỡng đảng về nhu cầu cải cách.
Những nội dung nổi bật tại Hội nghị Munich
Cảnh sát gác bên ngoài Khách sạn Bayerischer Hof ở Munich, Đức, nơi diễn ra Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 61, ngày 14/2. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 14/2, Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 61 đã chính thức khai mạc tại Khách sạn Bayerischer Hof ở thành phố Munich (Đức). Tham dự sự kiện này có Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance, Tổng thống Ukraine Vododymyr Zelensky, Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và khoảng 60 nhà lãnh đạo trên thế giới.
Hội nghị An ninh Munich được tổ chức trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều biến động.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cảnh báo các quan chức châu Âu rằng họ có nguy cơ mất đi ủng hộ của công chúng nếu không nhanh chóng thay đổi hướng đi. “Mối đe dọa mà tôi lo lắng nhất liên quan đến châu Âu không phải là Nga. Không phải là Trung Quốc. Không phải bất kỳ tác nhân bên ngoài nào khác. Điều tôi quan ngại là nguy hiểm từ bên trong, việc châu Âu thoái lui khỏi một số giá trị cơ bản nhất, cùng chia sẻ với Mỹ”.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte đánh giá Phó Tổng thống Mỹ Vance hoàn toàn đúng về nhu cầu châu Âu tăng cường và hành động nhiều hơn cho quốc phòng. Ông Rutte nhấn mạnh: "Chúng ta phải trưởng thành theo nghĩa đó và chi tiêu nhiều hơn nữa". Tại hội nghị, một số nhà lãnh đạo châu Âu đã đồng tình với bình luận của Tổng thư ký NATO, họ cho rằng EU sẽ tăng cường chi tiêu quốc phòng, tuy nhiên, cũng cần thảo luận với Mỹ về việc nước này giảm dần hỗ trợ.
Trong một diễn biến liên quan, phát biểu sau cuộc gặp Phó Tổng thống Mỹ JD Vance bên lề Hội nghị An ninh Munich ngày 14/2, Tổng thống Zelensky tuyên bố Ukraine sẵn sàng hướng tới hòa bình.
Về phần mình, Phó Tổng thống Vance khẳng định Mỹ đặt mục tiêu đạt được “nền hòa bình bền vững và lâu dài” ở Ukraine. Ông Vance và Tổng thống Zelensky từ chối cung cấp thông tin chi tiết về những gì họ đã thảo luận tại Munich nhưng nhà lãnh đạo Ukraine tái khẳng định rằng đất nước ông cần "đảm bảo an ninh thực sự".
An ninh quanh Hội nghị Munich đã được thắt chặt sau vụ việc gây chấn động ở địa phương với xe lao vào đám đông, khiến ít nhất 36 người bị thương sáng 13/2. Vụ lao xe xảy ra ngay trước thềm Hội nghị An ninh Munich khai mạc vào ngày 14/2 và kéo dài 3 ngày, quy tụ các nhà quan chức hàng đầu thế giới cùng thảo luận về những vấn đề nóng trên toàn cầu. Hiện trường vụ đâm xe cách địa điểm tổ chức hội nghị khoảng 1,6 km.
Hamas thực hiện cam kết thả con tin
Một con tin Israel được phong trào Hamas trả tự do và bàn giao cho Hội Chữ Thập đỏ quốc tế tại thành phố Gaza, ngày 9/2. Ảnh: IRNA/TTXVN
Hamas đã thả 3 con tin Israel khỏi Gaza, theo thỏa thuận ngừng bắn với Israel và sau mâu thuẫn gia tăng trong tuần này, đe dọa đến thỏa thuận.
Phong trào Hamas đã thả các con tin gồm Sagui Dekel-Chen (công dân Mỹ-Israel), Alexandre Troufanov (Nga-Israel) và Iair Horn (Argentina-Israel) tại Khan Younis, miền Nam Gaza, vào khoảng 10 giờ sáng 15/2, trong khuôn khổ cuộc trao đổi thứ 6 theo thỏa thuận ngừng bắn.
Cùng ngày 15/2, Hiệp hội Tù nhân Palestine cho biết Israel dự kiến sẽ thả tổng cộng 369 tù nhân Palestine. 333 người trong số này đã bị bắt ở Gaza sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023. Đây sẽ là số lượng tù nhân Palestine được thả lớn nhất trong các cuộc trao đổi, tính cho đến nay.
Đầu tuần này, Hamas cảnh cáo hoãn thả con tin, kèm cáo buộc Israel vi phạm các cam kết đối với thỏa thuận ngừng bắn. Phong trào này khẳng định sẵn sàng thực hiện cam kết thả con tin đúng hạn, với điều kiện Israel phải chấm dứt các hành vi vi phạm thỏa thuận.
Ngay trong ngày 10/2, Tổng thống Trump đe dọa sẽ đề xuất hủy bỏ lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza nếu tất cả các con tin bị giam giữ tại vùng lãnh thổ này không được trả tự do trước buổi trưa 15/2.
Ba ngày sau đó, Hamas tuyên bố sẽ trả tự do cho 3 con tin người Israel theo đúng kế hoạch vào hôm 15/2, đồng thời khẳng định không muốn thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza đổ vỡ.
Trong tuyên bố sau đợt thả con tin ngày 15/2, Hamas nhận định, cách duy nhất để giải thoát những con tin còn lại là thông qua đàm phán và tuân thủ các yêu cầu của thỏa thuận ngừng bắn. Trước đó một ngày, Hamas xác nhận sẵn sàng đàm phán với Israel về giai đoạn 2 của thỏa thuận ngừng bắn và trả tự do cho các con tin từ ngày 17/2 tới.
Vào tháng 1, Qatar và Mỹ, hai bên trung gian hòa giải cho thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza, đã thông báo chính thức về thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin giữa Israel cùng lực lượng Hamas.
Việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn bắt đầu từ ngày 19/1, Hamas sẽ trả tự do cho 33 con tin trong giai đoạn đầu tiên, kéo dài trong 6 tuần, để đổi lấy việc Israel trả tự do cho những người Palestine đang bị bắt giữ. Các chi tiết về giai đoạn thứ hai và thứ ba của thỏa thuận sẽ được công bố sau khi giai đoạn đầu tiên hoàn tất. Giai đoạn thứ hai dự kiến bao gồm việc thả số con tin còn lại và thảo luận về chấm dứt xung đột lâu dài hơn.
Tính đến nay, Hamas đã thả tổng cộng 19 con tin Israel, trong khuôn khổ giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận ngừng bắn.