Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh tư liệu: PAP/TTXVN
Thông tin này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố vào đầu tháng 2 rằng ông muốn Kiev “trả lại” phần nào khoản viện trợ mà Mỹ đã cung cấp bằng cách cung cấp các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Ukraine.
Theo một báo cáo từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2024, Ukraine có tiềm năng lớn để trở thành một nhà cung cấp toàn cầu các nguyên liệu thô quan trọng cho quốc phòng, công nghệ và năng lượng tái tạo. Quốc gia này sở hữu trữ lượng titan và lithium lớn nhất ở châu Âu, mặc dù không thuộc nhóm khoáng sản đất hiếm.
Ngoài ra, Kiev cũng có các mỏ berili, mangan, gali, urani, zirconi, than chì, apatit, fluorit và niken đáng kể.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội X ngày 14/2, phóng viên Josh Rogin của Washington Post cho biết, nhiều nhà lập pháp tham dự Hội nghị An ninh Munich cho biết phái đoàn Quốc hội Mỹ đã trình cho Tổng thống Zelensky một văn bản, yêu cầu ông ký, trong đó Mỹ sẽ được quyền tiếp cận 50% trữ lượng khoáng sản tương lai của Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky đã từ chối đề nghị này một cách lịch sự.
Hãng tin Reuters cũng dẫn lời các thành viên giấu tên của phái đoàn Ukraine tham dự hội nghị, xác nhận thông tin tương tự. Cuộc họp giữa ông Zelensky và nhóm các nhà lập pháp Mỹ kéo dài khoảng 90 phút. Theo thông tin từ các nguồn tin này, Tổng thống Zelensky cảm thấy mình bị yêu cầu ký một thỏa thuận mà ông chưa có thời gian để xem xét kỹ lưỡng. Một số nguồn còn cho rằng đề xuất này là không công bằng đối với Ukraine, vì họ vẫn cần giải quyết nhiều vấn đề chi tiết.
Hôm 12/2, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Scott Bessent, đã tới Kiev và trình bày một bản dự thảo thỏa thuận cho Tổng thống Zelensky. Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters trước đó, ông Zelensky cho biết ông mong muốn một quan hệ đối tác công bằng với Mỹ, thay vì chỉ đơn giản là cung cấp tài nguyên thiên nhiên của Ukraine. Giới chuyên gia cho rằng đây có thể là một trong những lý do khiến nhà lãnh đạo này từ chối ký thỏa thuận đất hiếm với Mỹ.
Mặc dù vậy, ông Zelensky cũng thừa nhận rằng một phần lớn các khu vực khoáng sản quan trọng hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
Theo Forbes, tổng giá trị khoáng sản của Ukraine ước tính lên tới khoảng 7 nghìn tỷ USD, phần lớn nằm ở các khu vực hiện thuộc Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk, những khu vực đã sáp nhập Nga vào năm 2022.
Tổng thống Trump trong một cuộc phỏng vấn với Fox News tuần này đã nhấn mạnh rằng Ukraine sở hữu những mỏ khoáng sản rất giá trị, đặc biệt là đất hiếm và dầu khí. Ông cho biết mình đã nói với các lãnh đạo Kiev rằng Mỹ muốn có quyền tiếp cận các khoáng sản này, tương đương với khoảng 500 tỷ USD, và ông đã nhận được sự đồng ý từ phía Ukraine.