Đây được coi là thắng lợi lớn cho chính quyền Tổng thống Trump, vốn đang gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ các chính sách của mình ở các tòa án trong gần 50 vụ kiện.
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn lời ông George O’Toole cho biết do các nghiệp đoàn đại diện nhân viên liên bang nộp đơn kiện này không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi kế hoạch trên nên không có cơ sở để nộp đơn kiện. Ngày 6/2 vừa qua, ông O’Toole đã ra lệnh tạm thời chặn kế hoạch này.
Tháng trước, Nhà Trắng thông báo sẵn sàng trả lương đến ngày 30/9 tới, tương đương với 8 tháng lương, cho nhân viên liên bang nào không muốn trở lại văn phòng làm việc, miễn là họ nộp đơn xin nghỉ việc chậm nhất vào ngày 6/2 vừa qua. Trong thông báo, Văn phòng Quản trị Nhân sự (OPM) của Nhà Trắng gọi đề nghị này là nghỉ việc hành chính có lương và phúc lợi. Đề nghị của OPM được áp dụng với tất cả nhân viên liên bang làm việc toàn thời gian, ngoại trừ quân nhân, nhân viên bưu điện và nhân viên thực thi luật di trú hoặc bảo vệ an ninh quốc gia.
Theo ước tính của OPM, khoảng 5-10% nhân viên liên bang sẽ chấp nhận lời đề nghị này, đồng nghĩa với việc có thể hàng trăm nghìn nhân viên sẽ nghỉ việc. OPM dự đoán biện pháp này có thể giúp tiết kiệm tới 100 tỷ USD một năm tiền đóng thuế của người dân.
Liên đoàn Nhân viên Chính phủ Mỹ (AFGE) - nghiệp đoàn lớn nhất đại diện cho các nhân viên liên bang - đã khởi kiện, cho rằng OPM không có thẩm quyền đưa ra đề nghị như vậy. Ngoài ra, AFGE cũng cảnh báo các nhân viên liên bang không đồng ý với đề nghị này vì nếu chấp nhận, họ sẽ bị bỏ rơi.
Cùng ngày, thêm 5 nghiệp đoàn Mỹ, trong đó có Nghiệp đoàn công nhân ngành ô tô, Liên đoàn nhân viên kho bạc quốc gia, Liên đoàn quốc gia của nhân viên liên bang cũng đệ đơn kiện lên tòa án liên bang tại Washington, D.C để chặn kế hoạch của ông Trump mà họ cho rằng sẽ khiến hàng trăm nghìn nhân viên liên bang mất việc. Trong khi đó, trang Semafor dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ cho biết khoảng 75.000 nhân viên liên bang đã chấp thuận chương trình nhận trợ cấp và nghỉ việc.
Trong một động thái nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả chính sách đối ngoại, cùng ngày, Tổng thống Trump đã ban hành sắc lệnh hành pháp chỉ thị Ngoại trưởng Marco Rubio cải tổ cơ quan ngoại giao.
Theo sắc lệnh, Ngoại trưởng Rubio sẽ tiến hành cải cách Bộ Ngoại giao và cơ quan quản lý các quan hệ đối ngoại để đảm bảo “thực hiện trung thực và hiệu quả” chính sách đối ngoại của Tổng thống. Theo đó, Ngoại trưởng sẽ thực hiện cải cách các tiêu chuẩn về tuyển dụng, đánh giá, năng lực và giữ chân người tài. Cũng theo sắc lệnh, những nhân sự không đáp ứng theo chương trình nghị sự của Tổng thống sẽ bị kỷ luật, trong đó có nguy cơ bị sa thải.
Sắc lệnh trên được ban hành trong bối cảnh chính quyền của ông Trump thực hiện những thay đổi để đảm bảo đường lối đối ngoại của đất nước phù hợp với chính sách "Nước Mỹ trước tiên”. Ông Trump nhiều lần tuyên bố sẽ sa thải những công chức mà ông cho là không trung thành với đất nước.