Nóng trong tuần: Siêu Thứ Ba định hình cuộc đua vào Nhà Trắng; Thụy Điển chính thức gia nhập NATO

Siêu Thứ Ba định hình cuộc đua vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc Thông điệp liên bang 2024; Thụy Điển chính thức gia nhập NATO và bất ổn leo thang ở Haiti là những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

“Siêu thứ Ba” định hình cuộc đua vào Nhà Trắng

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Với ngày “Siêu thứ Ba” 5/3, cuộc bầu cử Mỹ bước vào giai đoạn mang ý nghĩa bước ngoặt trong tiến trình hai đảng Dân chủ và Cộng hòa lựa chọn gương mặt đại diện ra tranh cử tổng thống vào ngày 5/11 sắp tới. Kết quả chiến thắng gần như tuyệt đối thuộc về đương kim Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ và cựu Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa.

Bên đảng Dân chủ, kết quả kiểm phiếu cho thấy ông Biden đã giành chiến thắng ở 14 bang và chỉ “sảy chân” tại vùng lãnh thổ Samoa nhỏ bé, nâng tổng số phiếu đại biểu ông đang nắm giữ lên 1.527 và chỉ cần thêm 441 phiếu là cán mốc 1.968 phiếu cần thiết để nhận tấm vé ra tranh cử tổng thống Mỹ.

Trong khi đó, với đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Trump chỉ thua đối thủ duy nhất là cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley tại bang Vermont và giành thắng lợi tại 14 bang, nâng tổng số phiếu hiện có lên 1.031. Ông chỉ cần thêm 184 phiếu nữa là cán mốc 1.215 phiếu để được đề cử.

Sau những thất bại cách biệt và chịu lép vế hoàn toàn, các đối thủ của ông Trump và ông Biden đã lần lượt rút khỏi cuộc đua, dọn đường cho một cuộc tái đấu giữa hai chính khách này.

Vài giờ sau khi công bố kết quả kiểm phiếu, bà Haley đã tuyên bố từ bỏ nỗ lực chạy đua vào Nhà Trắng. Bên đảng Dân chủ, Hạ nghị sĩ Dean Phillips của bang Minnesota đã quyết định rút lui và tuyên bố ủng hộ ông Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Việc ông Phillips từ bỏ khiến tác giả, nhà hoạt động Marianne Williamson trở thành đối thủ đáng chú ý cuối cùng còn lại của Tổng thống Biden trên đường đua giành đề cử tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ tổ chức tại thành phố Chicago, bang Illinois từ ngày 19 - 22/8.

Giới quan sát nhận định chiến thắng của ông Trump trong ngày “Siêu Thứ Ba” có thể khiến đảng Cộng hòa thay đổi cương lĩnh tranh cử, quan điểm chính trị, đặc biệt là chính sách đối ngoại trong thời gian tới. Còn trong trường hợp Tổng thống Biden tái cử, nhiều khả năng ông sẽ tiếp tục xu hướng chính sách đối ngoại ủng hộ chủ nghĩa đa phương nhưng mang tính thực dụng hơn nhằm củng cố vai trò dẫn dắt toàn cầu của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc Thông điệp liên bang 2024

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nantucket, Massachusetts, ngày 26/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 7/3 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trình bày Thông điệp liên bang trước Quốc hội lưỡng viện.

Thông điệp liên bang cuối cùng trong nhiệm kỳ này của Tổng thống Biden đề cập tới những thành tựu của ông kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cả về đối nội và đối ngoại, trong đó nêu bật những điểm sáng về phát triển kinh tế, kiềm chế lạm phát, cải thiện an sinh xã hội.

Ông Biden nhậm chức vào thời điểm kinh tế Mỹ phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, đại dịch hoành hành, hàng chục triệu người Mỹ thất nghiệp, hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ có nguy cơ đóng cửa và chuỗi cung ứng bị đứt gãy nặng nề. Sau gần 4 năm, nền kinh tế được đánh giá phục hồi mạnh mẽ nhất trong hơn 50 năm, tạo thêm gần 15 triệu việc làm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức dưới 4% trong suốt 2 năm trong khi lạm phát đã giảm 2/3, tiền lương tăng nhanh hơn giá cả và ở mức cao hơn mức bình thường.

Thông điệp liên bang cũng đưa ra tầm nhìn chiến lược, gửi gắm thông điệp đến cử tri Mỹ, cho thấy những đường hướng mà Tổng thống Biden sẽ lãnh đạo đất nước trong 4 năm tới nếu tái đắc cử.

Về đối nội, chương trình nghị sự kinh tế của Tổng thống Biden tập trung đầu tư vào nước Mỹ, dành hỗ trợ cho các cộng đồng bị bỏ lại phía sau. Tổng thống cam kết sẽ thúc đẩy các biện pháp đánh thuế doanh nghiệp cao hơn, giảm chi phí dược phẩm và cải thiện giá nhà ở, qua đó xoa dịu những quan ngại về nền kinh tế. Một trong những ưu tiên kinh tế hàng đầu của Tổng thống Biden sẽ là giảm chi phí cho các gia đình lao động. Ông Biden cũng tuyên bố sẽ thực hiện các hành động để thúc đẩy trí tuệ nhân tạo, nỗ lực xây dựng chính sách kiểm soát súng đạn.

Về đối ngoại, Tổng thống Joe Biden cho rằng Mỹ đang phải đối mặt với một “thời điểm chưa từng có”. Ông kêu gọi Mỹ tiếp tục viện trợ cho Ukraine, đồng thời khẳng định Washington không tìm kiếm xung đột với Bắc Kinh. Liên quan đến cuộc xung đột tại Trung Đông, Tổng thống Biden tuyên bố giải pháp hai nhà nước là giải pháp duy nhất, đồng thời đề nghị các nhà lãnh đạo Israel ngay lập tức viện trợ nhân đạo cho người Palestine.

Trong bối cảnh năm bầu cử 2024, đặc biệt sau chiến thắng vang dội của ông Biden trong Đảng Dân chủ sau ngày Siêu thứ Ba, bản Thông điệp năm nay được xem như bài diễn văn vận động tranh cử quan trọng để ông Biden có thể tiếp tục ở lại Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa.

Thụy Điển chính thức gia nhập NATO

Chú thích ảnh
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (phải) và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại cuộc họp báo ở Stockholm ngày 7/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Sau hơn 2 năm chờ đợi và hơn 200 năm không tham gia liên kết quân sự, ngày 7/3, Thụy Điển chính thức trở thành thành viên thứ 32 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sau khi Thủ tướng Ulf Kristersson bàn giao văn kiện hoàn tất quy trình gia nhập khối.

Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO hồi tháng 5/2022 và cần có sự nhất trí của toàn bộ các quốc gia thành viên liên minh này. Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn nỗ lực của Thụy Điển hồi tháng trước, Hungary là quốc gia cuối cùng trong số 31 thành viên NATO đưa ra quyết định tương tự.

Hôm 5/3, chỉ ít giờ sau khi chính thức đảm nhận chức vụ Tổng thống Hungary, tân Tổng thống Tamas Sulyok đã ký ban hành luật chấp thuận Thụy Điển gia nhập NATO. Trước đó, hôm 26/2, với 188 phiếu thuận và 6 phiếu chống, Quốc hội Hungary bỏ phiếu thông qua đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển, chấm dứt hơn 18 tháng trì hoãn quyết định này. Chủ tịch Quốc hội Hungary Laszlo Kover ngày 2/3 cũng đã ký phê chuẩn văn kiện này.

Trong động thái phản ứng đầu tiên, Thủ tướng Kristersson đã ca ngợi một kỷ nguyên mới mang tính lịch sử trong chính sách an ninh của Thụy Điển. Phát biểu tại Washington sau cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ông Kristersson nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ chia sẻ gánh nặng, trách nhiệm và rủi ro với các đồng minh”.

Cùng ngày, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg ca ngợi việc Thụy Điển trở thành thành viên của liên minh, khẳng định quốc gia Bắc Âu này giờ đây đã có được sự đảm bảo an ninh tối thượng.

“Sau hơn 200 năm không liên kết, Thụy Điển giờ đây hưởng lợi từ sự bảo vệ được quy định theo Điều 5, sự đảm bảo tối thượng cho tự do và an ninh của các đồng minh. Thụy Điển mang đến một lực lượng vũ trang hùng mạnh và một ngành công nghiệp quốc phòng hàng đầu. Quyết định gia nhập của Thụy Điển giúp cho NATO mạnh mẽ hơn, Thụy Điển an toàn hơn và toàn bộ Liên minh được bảo đảm hơn”, ông nói.

Giới quan sát nhận định việc Thuỵ Điển gia nhập liên minh do Mỹ dẫn đầu sẽ tạo ra thay đổi rõ rệt về cả quốc phòng của Thụy Điển, cũng như cán cân địa chính trị trong khu vực.

Bất ổn leo thang ở Haiti 

Chú thích ảnh
Lốp xe bốc cháy gần Nhà tù quốc gia ở Port-au-Prince, Haiti, sau khi hàng nghìn tù nhân vượt ngục ngày 3/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Tình trạng bạo lực chưa từng có đang bao trùm Haiti, với sự gia tăng nhanh chóng số vụ đụng độ giữa cảnh sát và các băng nhóm vũ trang, các vụ xả súng ở khu dân cư, số người chết và bị thương. 

Ngày 3/3, các băng nhóm tội phạm ở Haiti đã tấn công Nhà tù quốc gia và thả 3.597 tù nhân. Nhà tù quốc gia Haiti không chỉ giam giữ những tội phạm khét tiếng nhất đất nước, mà còn giam giữ một số người Colombia bị buộc tội sát hại cố Tổng thống Haiti Jovenel Moise hồi tháng 7/2021.   

Đã có ít nhất 10 người thiệt mạng trong vụ các băng nhóm tội phạm tấn công nhà tù quốc gia. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Haiti đã ban bố tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm từ 18h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau. Tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm có hiệu lực đến ngày 6/3. 

Đến ngày 7/3, Chính phủ Haiti đã gia hạn thêm một tháng tình trạng khẩn cấp ở khu vực thủ đô Port-au-Prince do ảnh hưởng của bạo lực. Các băng nhóm vũ trang tiếp tục kiểm soát phần lớn thủ đô và duy trì cuộc chiến bạo lực chống lại chính quyền của Thủ tướng Haiti Ariel Henry và yêu cầu ông từ chức.

Chỉ trong chưa đầy một tuần qua, ít nhất 15.000 người Haiti đã phải rời bỏ nhà cửa để chạy trốn làn sóng bạo lực. Tình trạng mất an ninh trầm trọng cũng khiến nguồn cung nhiên liệu, vật tư và oxy y tế cạn kiệt.

Thủ lĩnh băng nhóm có ảnh hưởng nhất Haiti Jimmy Chérizier ngày 5/3 cảnh báo rằng nước này sẽ tiến tới nội chiến nếu Thủ tướng Henry không từ chức. Cựu sĩ quan cảnh sát 46 tuổi có biệt danh “Thịt nướng” này tuyên bố: “Hoặc Haiti trở thành thiên đường cho tất cả hoặc địa ngục cho tất cả”.

Mỹ, Pháp, Canada, Mexico và Tây Ban Nha đã tạm thời đóng cửa đại sứ quán tại Haiti, hủy mọi cuộc làm việc và khuyến nghị công dân sớm tìm cách trở về, tích trữ nhu yếu phẩm và không ra ngoài khi không cần thiết. Bahamas rút phần lớn nhân viên khỏi Đại sứ quán ở Port-au-Prince, phong tỏa khu vực phía Nam đất nước và sẵn sàng đối phó với dòng người từ Haiti tràn sang. Nhiều quốc gia Caribe khác như Jamaica và Cộng hòa Dominica đã tăng cường an ninh biên giới và đình chỉ tất cả các chuyến bay tới Haiti. Cuba cũng lên kế hoạch đưa công dân về nước an toàn.

Hải Vân/Báo Tin tức (Tổng hợp)
Chiến thắng trong ngày Siêu Thứ Ba mở đường cho màn tái đấu Biden-Trump
Chiến thắng trong ngày Siêu Thứ Ba mở đường cho màn tái đấu Biden-Trump

Nước Mỹ có thể đang chứng kiến màn tái đấu đầu tiên kể từ năm 1956 giữa tổng thống đương nhiệm và cựu tổng thống.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN