Theo nguồn tin nước ngoài, cuộc bỏ phiếu của quốc hội Hungary dự kiến diễn ra suôn sẻ sau chuyến thăm nước này của Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson vào ngày 23/2. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai nước đã ký một thỏa thuận vũ khí sau nhiều tháng bị trì hoãn để hoàn thành thay đổi chính sách an ninh của Thụy Điển.
Thụy Điển và Phần Lan theo đuổi chính sách không liên kết quân sự trong nhiều thập kỷ, ngay cả khi Chiến tranh Lạnh diễn ra.
Tuy nhiên, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, các tính toán địa chính trị đã bị đảo lộn, kéo theo việc Thuỵ Điển và Phần Lan đệ đơn gia nhập NATO vào ngày 18/5/2022.
Sau đó, Phần Lan chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO vào ngày 4/4/2023 trong khi Thuỵ Điển vẫn phải chờ đợi.
Theo báo Bưu điện Washington của Mỹ, việc gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan sẽ mang lại sự bổ sung lực lượng đáng kể cho NATO. Thụy Điển là quốc gia có hải quân mạnh mẽ, lại có thể đóng góp vào việc sản xuất khí tài của NATO khi nước này đang tự mình sản xuất máy bay chiến đấu. Trong khi đó, Phần Lan cũng có quân đội được đầu tư bài bản, hùng hậu vì đang áp dụng chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nam giới.
Thụy Điển và Phần Lan bao phủ gần hết đường bờ biển phía Bắc của Biển Baltic. Do đó, việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan đã đặt gần như toàn bộ biển này dưới sự kiểm soát của NATO. Điều này không khỏi khiến Moskva lo ngại bởi Biển Baltic từ lâu đã có ý nghĩa chiến lược với Nga. Nga hiện có thành phố St. Petersburg và vùng lãnh thổ tách rời Kaliningrad tiếp giáp Biển Baltic. Nếu xung đột giữa Nga và NATO xảy ra, các nước NATO được cho là sẽ có thêm nhiều hướng tấn công nhằm vào cả hai nơi này.
Vốn dĩ việc Thuỵ Điển gia nhập NATO vấp phải sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary. Tuy nhiên, vào cuối tháng 1, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn đơn gia nhập NATO của Thụy Điển khiến Hungary trở thành nước trì hoãn tiến trình gia nhập NATO cuối cùng của Thụy Điển.