Hãng tin Al Jazeera có trụ sở ở Qatar cho biết vào tối 23/1, các nhà lập pháp Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn đơn gia nhập NATO của Thụy Điển với 287 phiếu thuận, 55 phiếu chống và 4 phiếu trắng.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dự kiến sẽ ký thành luật trong những ngày tới, chấm dứt tình trạng trì hoãn kéo dài 20 tháng khiến một số đồng minh phương Tây của Ankara thất vọng.
Sau khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn đơn gia nhập NATO của Thụy Điển, Thủ tướng Thụy Điển, ông Ulf Kristersson cho biết Stockholm đã “tiến một bước gần hơn” đến việc gia nhập liên minh quân sự này.
Ông Kristersson đã viết trên nền tảng mạng xã hội X rằng: “Thật tích cực khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ phiếu ủng hộ việc Thụy Điển gia nhập NATO”.
Việc Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn đơn gia nhập NATO của Thụy Điển khiến Hungary trở thành nước trì hoãn tiến trình gia nhập NATO cuối cùng của Thụy Điển.
Trước đó, Chính phủ Hungary cũng nhiều lần tuyên bố họ sẽ là thành viên NATO cuối cùng phê chuẩn Thụy Điển gia nhập liên minh.
Trong diễn biến mới nhất, vào ngày 23/1, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết ông đã mời người đồng cấp Thuỵ Điển Kristersson tới thăm để đàm phán việc gia nhập NATO.
Thụy Điển và Phần Lan theo đuổi chính sách không liên kết quân sự trong hàng chục năm, ngay cả khi Chiến tranh Lạnh diễn ra.
Tuy nhiên, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, các tính toán địa chính trị đã bị đảo lộn, kéo theo việc Thuỵ Điển và Phần Lan đệ đơn gia nhập NATO vào ngày 18/5/2022.
Sau đó, Phần Lan chính thức trở thành thành viên thứ 31 của NATO vào ngày 4/4/2023 trong khi Thuỵ Điển vẫn phải chờ đợi.
Theo báo Bưu điện Washington của Mỹ, sự gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan sẽ mang lại sự bổ sung lực lượng đáng kể cho NATO.
Thụy Điển là quốc gia có hải quân mạnh mẽ, lại có thể đóng góp vào việc sản xuất khí tài của NATO khi nước này đang tự mình sản xuất máy bay chiến đấu.
Phần Lan cũng có quân đội được đầu tư bài bản, hùng hậu vì đang áp dụng chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nam giới.
Thụy Điển và Phần Lan bao phủ gần hết đường bờ biển phía Bắc của Biển Baltic. Do đó, việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan đã đặt gần như toàn bộ biển này dưới sự kiểm soát của NATO.
Điều này không khỏi khiến Moskva lo ngại bởi Biển Baltic từ lâu đã có ý nghĩa chiến lược với Nga. Nga hiện có thành phố St. Petersburg và vùng lãnh thổ tách rời Kaliningrad tiếp giáp Biển Baltic. Nếu xung đột giữa Nga và NATO xảy ra, các nước NATO được cho là sẽ có thêm nhiều hướng tấn công nhằm vào cả hai nơi này.
Bên cạnh đó, chỉ với việc Phần Lan gia nhập NATO, chiều dài đường biên giới trên bộ của NATO với Nga đã tăng gấp đôi, thêm hơn 1.300 km, một mặt tạo áp lực không nhỏ lên Moskva khi phải tăng cường bảo vệ biên giới, mặt khác NATO cũng sẽ phải bảo vệ đường biên giới này trong trường hợp Nga tấn công.