Các nguồn tin cho hay động thái này có thể khiến các đồng minh trong khối thất vọng sau 17 tháng đơn xin gia nhập của Thuỵ Điển bị trì hoãn.
Trước đó, vào tháng 7 tại hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hưa hẹn sẽ gửi hồ sơ xin gia nhập của Thuỵ Điển tới quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ để phê chuẩn khi Quốc hội nước này mở cửa trở lại vào tháng 10.
Tuy nhiên, theo dữ liệu chính thức, kể từ khi kỳ họp Quốc hội khai mạc vào ngày 1/10, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ - cơ quan sẽ tranh luận về nỗ lực gia nhập NATO, đã nhận được gần 60 đề xuất thỏa thuận quốc tế để xem xét, ngoại trừ các thỏa thuận của Thụy Điển.
Theo một quan chức giấu tên của đảng AK cầm quyền, do thiếu niềm tin về vấn đề F-16 và Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ không vội phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO. Cùng lúc đó, Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn thấy được tín hiệu từ Mỹ thực hiện các động thái thiện chí với vấn đề F-16.
Trogn khi đó, một nguồn tin quen thuộc khác với các cuộc đàm phán Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một đề xuất sơ bộ, trong đó một bên phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Thuỵ Điển và một bên bán F-16, đã bị trì hoãn.
Về phần mình, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay nước này mong muốn Thụy Điển gia nhập NATO "trong tương lai gần" và rằng Tổng thống Joe Biden ủng hộ việc bán F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ vì lợi ích liên minh.
Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia sở hữu quy mô quân đội lớn thứ hai của NATO - được cho là cuối cùng vẫn sẽ tán thành đề xuất của Thụy Điển. Tuy nhiên, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ và các nhà ngoại giao nước ngoài nói rằng Tổng thống Erdogan đang trong tình thế không cần phải vội vàng, đặc biệt là sau vụ đánh bom ở Ankara vào ngày Quốc hội khai mạc và vài ngày sau đó là vụ Mỹ bắn rơi máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria.
Năm ngoái, sau khi xung đột Ukraine nổ ra, Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO. Tháng 4 vừa qua, Phần Lan đã được chính thức gia nhập NATO, đánh dấu sự mở rộng lịch sử của khối quốc phòng phương Tây. Tuy nhiên, nỗ lực của Thụy Điển vẫn bị Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary ngăn cản.
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Thụy Điển phải thực hiện nhiều biện pháp hơn nữa trong nước để trấn áp Đảng Công nhân Kurd (PKK), nhóm mà Liên minh châu Âu và Mỹ cũng coi là một nhóm khủng bố.
Sau cuộc gặp với những người đồng cấp NATO tại Brussels ngày 13/10, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler nói với các phóng viên rằng Thụy Điển dự kiến thực hiện các biện pháp chống khủng bố mới, đồng thời cho biết thêm quốc hội sẽ có phát ngôn cuối cùng về việc phê chuẩn.
Trong một tuyên bố cùng ngày, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson bày tỏ ông tin rằng tiến trình gia nhập NATO sẽ được giải quyết sớm một cách hợp lý vì Stockholm đã thực hiện mọi cam kết trong thỏa thuận được ký năm ngoái với Ankara và Helsinki.