400 người dân tại làng Basti Ahmad Din mắc kẹt trong dòng nước lũ nhiều ngày đang phải đối mặt với cái đói và bệnh tật. Nhưng họ từ chối đề nghị được sơ tán.
Được đưa đến một trại cứu trợ đồng nghĩa với việc những người phụ nữ trong làng này sẽ sinh hoạt trong cùng một khu với những người đàn ông ngoài gia đình. Và điều này bị coi là xâm phạm danh dự.
Tuy nhiên, những người phụ nữ ở làng Basti Ahmad Din còn không được lên tiếng từ chối.
“Tất cả mọi thứ do những trưởng lão trong làng quyết định”, Shireen Bibi (17 tuổi) trả lời khi được hỏi liệu em có muốn đến chỗ trú ẩn khô ráo hơn không.
Những trận mưa lớn đã nhấn chìm nhiều vùng đất rộng lớn ở Pakistan dưới làn nước lũ. Người dân làng Basti Ahmad Din phải chật vật sinh sống do nhà cửa và sinh kế đã bị tàn phá hoàn toàn. Hơn một nửa trong số 90 ngôi nhà ở Basti Ahmad Din đã bị phá hủy. Con đường đất nối ngôi làng với thành phố gần nhất ngập dưới ba mét nước. Thuyền gỗ ọp ẹp là phương tiện duy nhất giúp dân làng ra ngoài mua thực phẩm và vật dụng thiết yếu.
Giá cả cũng trở nên đắt đỏ hơn do nguồn cung gián đoạn. Nhiều gia đình trong làng Basti Ahmad Din đã phải gom lại phần lương thực ít ỏi và chia khẩu phẩn đều cho mọi người.
Nhiều tình nguyện viên đến làng đưa hàng cứu trợ đã ngỏ lời đưa người dân tới nơi an toàn nhưng tất cả nhận được là câu từ chối.
"Chúng tôi là người Baloch. Người Baloch không cho phép phụ nữ trong gia đình ra ngoài. Những người Baloch thà nhịn đói hơn là để gia đình họ phải ra ngoài ", Muhammad Amir, một người dân làng Basti Ahmad Din, nói về nhóm sắc tộc chiếm phần lớn làng.
Ở nhiều vùng với tư tưởng cổ hủ, gia trưởng của Pakistan, phụ nữ sống dưới một quan niệm nghiêm khắc về danh dự.
Điều này hạn chế quyền tự do đi lại và sự tương tác của người phụ nữ với những người đàn ông bên ngoài gia đình. Phụ nữ thậm chí có thể bị giết vì đem về nỗi tủi nhục cho gia đình khi tiếp xúc với đàn ông hoặc kết hôn với người mà họ lựa chọn.
Trong trường hợp thiên tai xảy ra như trận lũ lụt đang hoành hành ở Pakistan, tư tưởng cổ này hoàn toàn có thể cắt đứt đường tiếp cận của phụ nữ và trẻ em gái đối với các nhu cầu cơ bản như thực phẩm và chăm sóc y tế.
Thay vì đưa cả gia đình đến đó, những người đàn ông trong làng Basti Ahmad Din chèo thuyền 1 tuần 1 lần đến trại cứu trợ gần nhất để lấy đồ tiếp tế.
Các già làng - tất cả là nam giới - cho biết chỉ chấp nhận phụ nữ ra khỏi làng trong những tình huống nguy cấp như gặp vấn đề về sức khỏe.
Một trưởng lão trong làng tên Mureed Hussain cho biết họ đã không sơ tán trong trận lũ lụt lịch sử vào năm 2010.
“Chúng tôi đã không rời làng. Chúng tôi không cho phép phụ nữ ra ngoài. Họ không thể ở trong những trại cứu trợ đó. Đó là vấn đề danh dự”, ông nhấn mạnh.