Pakistan mất nhiều tháng để xử lý thảm họa nhân đạo do lũ lụt

Sẽ phải mất 2 tháng thì người dân Pakistan mới có nơi trú ẩn an toàn, được tiếp cận với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm và thuốc men với giá cả phải chăng.

Chú thích ảnh
Người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ trú tạm trong những căn lều ở tỉnh Sindh, Pakistan, ngày 1/9/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Theo kênh truyền hình CNN, một số đơn vị cứu trợ quốc tế đã bắt đầu đến Pakistan trong ngày 4/9, cung cấp thực phẩm, nước sạch và thuốc men cùng các vật dụng thiết yếu khác cho các nạn nhân trong vùng lũ.

Trong một tuyên bố vào tuần trước, UNICEF cho hay 3 triệu trẻ em trên khắp Pakistam hiện cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp do đối mặt với nguy cơ gia tăng các bệnh lây truyền qua nguồn nước, bị đuối nước và suy dinh dưỡng.

Tiến sĩ Deedar Hussain làm việc tại Bộ y tế Pakistan cho biết ông lo sợ về sự bùng phát các bệnh lây nhiễm qua nước nếu nước lũ không rút đủ nhanh.

"Rất nhiều bệnh nhân đã đến với chúng tôi. Chúng tôi đã tiếp nhận 16.000 bệnh nhân từ trên địa bàn huyện, chủ yếu là bệnh nhân bị dị ứng với nước lũ, có bệnh nhân bị tiêu chảy, sốt”, Tiến sĩ Hussain chia sẻ.

Aurélie Godet, nhân viên truyền thông của tổ chức nhân đạo Médecins du Monde, miêu tả nước lũ đã cuốn trôi mọi thứ.

"Những người sống sót phải bắt đầu lại từ đầu. Họ cần gấp nơi trú ẩn sạch sẽ, giá cả thực phẩm phải chăng, được tiếp cận với y tế và các mặt hàng cơ bản. Nhưng sẽ phải mất 2 tháng để có thể đạt được mục tiêu đó và trong khoảng thời gian này, họ cần viện trợ", bà Godet cho hay.

Ngày 30/8, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif thông báo đây là trận lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước và ước tính thiên tai đã gây thiệt hại hơn 10 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng, nhà cửa và trang trại.

Theo tổ chức từ thiện Action Against Hunger, 27 triệu người ở nước này vốn dĩ không có đủ lương thực trước khi lũ lut xảy ra. Giờ đây nguy cơ nạn đói trên diện rộng ngay trước mắt.

Trong một diễn biến ngày 4/9, các quan chức đã tìm cách xả nước từ hồ Manchar ở tỉnh Sindh vào các huyện gần đó của Jaffarabad và Bubak - nơi sinh sống của khoảng 100.000 người, với hy vọng có thể ngăn nước trong hồ tràn lên và gây ngập lụt các thành phố và thị trấn đông dân hơn. Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của quan chức, mực nước trong hồ nước ngọt lớn nhất Pakistan vẫn ở mức cao.

Đây là thách thức mới nhất mà các quan chức Pakistan phải đối mặt khi đất nước này phải vật lộn với thảm họa leo thang trong mùa mưa kết hợp với hiện tượng sông băng tan chảy khiến 1/3 đất nước nhấn chìm trong nước.

Theo số liệu của Trung tâm Điều phối Ứng phó Lũ lụt Quốc gia Pakistan (NFRCC), số người chết kể từ giữa tháng 6 do lũ lụt đến ngày 5/9 đã lên đến 1.325 người, và ít nhất 12.000 người khác bị thương. Ít nhất 33 triệu người - chiếm khoảng 15% dân số cả nước - đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Một số khu vực, đặc biệt là các tỉnh Sindh và Balochistan phía Nam, ghi nhận lượng mưa cao gấp 5 lần bình thường.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo CNN)
Giá rau tăng đến 500%, đẩy lạm phát ngày càng leo thang ở Pakistan 
Giá rau tăng đến 500%, đẩy lạm phát ngày càng leo thang ở Pakistan 

Giá cà chua, khoai tây và hành tây tăng chóng mặt đang khiến lương thực trở thành mặt hàng xa xỉ đối với người dân Pakistan, quốc gia vừa bị lũ lụt tàn phá nặng nề.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN