Niger: Không diễn ra đàm phán giữa phái đoàn ECOWAS và chính quyền quân sự

Phái đoàn của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã rời Niger mà không có cuộc gặp nào với chính quyền quân sự ở Niger sau vụ đảo chính lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh cuộc họp của Ủy ban các Tư lệnh quốc phòng ECOWAS về Niger ở Abuja, Nigeria ngày 2/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Một thành viên phái đoàn ngày 4/8 cho biết phái đoàn đã đến thủ đô Niamey vào ngày 3/8, song “không ở lại qua đêm” như kế hoạch, đồng thời cũng không có cuộc gặp với Tướng Abdourahamane Tiani, người đứng đầu Lực lượng Bảo vệ Tổng thống từ năm 2011 và đã tuyên bố là nhà lãnh đạo mới của quốc gia châu Phi này. Ngoài ra, nguồn tin này cho biết phái đoàn cũng không có cuộc gặp nào với Tổng thống Mohamed Bazoum bị lật đổ.

Trước đó, văn phòng tổng thống Nigeria cho biết, ECOWAS đã cử một phái đoàn tới Niger, trong đó cựu lãnh đạo chính quyền quân sự của Nigeria, Tướng Abdulsalami Abubakar làm trưởng đoàn. Theo kế hoạch ban đầu, phái đoàn này sẽ gặp Tướng Tiani để đưa ra các yêu cầu của ECOWAS.

Sau cuộc đảo chính tại Niger, lãnh đạo các nước thành viên ECOWAS đã họp khẩn cấp tại thủ đô Abuja của Nigeria, đồng thời áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào lực lượng đảo chính tại Niger, bao gồm việc đóng băng mọi giao dịch tài chính và thương mại giữa các nước ECOWAS và Niger, đóng cửa biên giới với Niger, cấm nhập cảnh đối với cá nhân tham gia và liên đới trong cuộc đảo chính. Lãnh đạo các nước thành viên ECOWAS cũng đưa ra tối hậu thư, cảnh báo sẽ sử dụng vũ lực nếu các tướng lĩnh đảo chính không khôi phục quyền lực cho Tổng thống Bazoum trong vòng một tuần kể từ ngày 31/7.

Nigeria hiện là chủ tịch luân phiên của ECOWAS. Tổng thống Nigeria Bola Tinubu cho biết ECOWAS sẽ nỗ lực tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Niger thông qua phương thức hòa giải. Tuy nhiên, chính quyền quân sự ở Niger đã bác bỏ các biện pháp trừng phạt mà các nước láng giềng Tây Phi áp đặt đối với Niger và khẳng định sẽ không nhượng bộ trước bất kỳ mối đe dọa nào.

Sau Guinea, Mali và Burkina Faso, Niger là quốc gia Tây Phi thứ 4 xảy ra đảo chính kể từ năm 2020 đến nay.    

Nguyễn Hà (TTXVN)
Cựu Đại sứ Pháp nói về nguyên nhân đảo chính quân sự ở Niger
Cựu Đại sứ Pháp nói về nguyên nhân đảo chính quân sự ở Niger

Việc duy trì các căn cứ quân sự cho thấy Pháp muốn can thiệp vào các vấn đề của châu Phi, trong khi EU không thống nhất về chiến lược với khu vực này và cũng góp phần gây ra sự hỗn loạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN