Theo đài RT, phát biểu với nhật báo La Repubblica ngày 3/8, Ngoại trưởng Antonio Tajani nói với nhật báo La Repubblica rằng chính phủ ở Rome không có bằng chứng nào về việc Moskva có liên quan đến cuộc đảo chính quân sự ở Niamey. Ông cũng tiết lộ rằng tình trạng hỗn loạn ở Niger đã khiến cả Mỹ và Pháp bất ngờ.
“Chúng tôi không có thông tin nào về sự tham gia của Nga vào các sự kiện ở Niger, hay việc chuẩn bị đảo chính”, Ngoại trưởng Tajani nói với La Repubblica khi được hỏi liệu Moskva có đang đóng vai trò nào đó ở quốc gia vùng Sahel hay không. Ông phản đối những người biểu tình ở Niger mang theo ảnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Nhiều người, có lẽ là tất cả ở châu Âu, đã bị bất ngờ” bởi cuộc đảo chính, Ngoại trưởng Tajani nói, “Không ai biết về nó, cả Mỹ và Pháp".
Cả hai quốc gia này đều có hơn 1.000 binh sĩ đồn trú ở Niger cùng với các căn cứ máy bay không người lái phục vụ các hoạt động chống khủng bố. Bộ trưởng Ngoại giao Italy cho biết hiện có 350 binh sĩ Italy ở Niger và họ đang ở trong doanh trại của mình.
Các nhà chức trách Niger cũng bị động trong sự kiện đảo chính, ông Tajani nói thêm, lưu ý rằng Thủ tướng Niger Uhumudu Mahamadou khi đó đang ở Rome để tham dự hội nghị thượng đỉnh về lương thực của Liên hợp quốc.
Khi được hỏi về vai trò của Nga trong khu vực, ông Tajani nói rằng sự hiện diện như bi cáo buộc của các thành viên Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner là “một vấn đề khác” và rằng Nga đã “xâm nhập khu vực một cách khéo léo trong nhiều năm”.
Ngoại trưởng Tajani nhấn mạnh với La Repubblica rằng Italy ủng hộ “bất kỳ nỗ lực ngoại giao nào để tìm kiếm một thỏa thuận”. “Nền dân chủ phải được phục hồi. Nhưng chúng tôi muốn các giải pháp hòa bình được tìm ra. Chúng tôi cũng luôn phản đối đề xuất về bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của châu Âu”. Ông nói thêm rằng người đồng cấp Pháp Catherine Colonna “không bao giờ” đề cập đến chủ đề can thiệp vào Niger với ông.
Trước đó, Moskva đã lên án cuộc đảo chính diễn ra trong tuần trước ở Niger là vi phạm hiến pháp và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế bạo lực. Nhóm Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS), khối các quốc gia Tây Phi do phương Tây hậu thuẫn, đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền quân sự ở Niamey và đe dọa can thiệp quân sự để khôi phục quyền lực của Tổng thống Mohamed Bazoum.
Theo hãng tin AFP, ngày 26/7, quân đội Niger đảo chính lật đổ chính quyền Tổng thống Mohamed Bazoum, người được cho là đã bị bắt giữ từ 19/7.
Hai ngày sau đó, Tướng Abdourahamane Tchiani dẫn đầu cuộc đảo chính tuyên bố lên nắm quyền trong sự phản ứng mạnh mẽ của châu Âu và Nhóm Cộng đồng kinh tế Tây Phi (ECOWAS). ECOWAS đã ra tối hậu thư cho quân đội Niger trao trả quyền lực trong vòng 1 tuần.
Niger, vốn phụ thuộc nhiều vào viện trợ nước ngoài, chịu hàng loạt trừng phạt vì cuộc đảo chính. Ngày 2/8, các lãnh đạo quân sự ECOWAS đã họp bàn về cách đối phó với cuộc khủng hoảng.
Cùng ngày chuyến bay đầu tiên chở công dân Pháp và một số nước châu Âu đã hạ cánh ở Paris, trong bối cảnh làn sóng biểu tình phản đối Pháp và phương Tây bùng lên sau cuộc đảo chính. Đây là lần đầu tiên Paris phải tổ chức đợt di tản lớn tại quốc gia thuộc địa cũ. Tuy nhiên Pháp cho biết sẽ không rút 1.500 quân đang đóng ở đây.
Trước đó Pháp đã bác bỏ cáo buộc của chính quyền quân sự Niger rằng Paris tính can thiệp quân sự nhằm khôi phục chính quyền Tổng thống Bazoum.
Chính quyền quân sự Mali và Burkina Faso, vốn ủng hộ cuộc đảo chính ở Niger, đã cảnh báo sẽ tham chiến nếu nước láng giềng bị can thiệp quân sự.
Về mặt chính trị, Niger vốn được coi là một điển hình về sự ổn định dân chủ ở Tây Phi trong những năm gần đây. Về mặt chiến lược, nhiều căn cứ quân sự của Pháp, Mỹ đặt tại đây. Niger cũng là đối tác quan trọng của phương Tây nhằm đối phó với các phiến quân Hồi giáo như IS hoặc al-Qaeda. Về mặt kinh tế, Niger rất giàu uranium, sản xuất 7% tổng nguồn cung toàn cầu. Tuy nhiên, người dân Niger có mức sống thấp bậc nhất trên thế giới.
Vì thế cuộc đảo chính ở Niger được đánh giá sẽ ảnh hưởng lớn đến nước này và cả khu vực Sahel. Giới phân tích cho rằng Niger sẽ theo chân Mali và Burkina Faso giúp tăng sự ảnh hưởng của Nga tại khu vực. Tuy nhiên nếu ECOWAS can thiệp quân sự có thể kích động bạo lực giữa các nhóm ủng hộ và phản đối cuộc đảo chính. Trong khi đó các nhóm phiến quân sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ việc quân đội bị suy yếu do cuộc đảo chính.