Theo nhận định của cựu Đại sứ Pháp Gérard Araud với mạng tin châu Âu Euractiv.com ngày 3/8, cuộc đảo chính ở Niger chủ yếu là do mối quan hệ thuộc địa mới giữa Pháp và lục địa châu Phi. Ông Araud cũng chỉ trích sự thiếu thống nhất của EU về một chiến lược với châu Phi.
Ông Araud, một đại sứ dày dạn kinh nghiệm từng giữ các chức vụ tại Liên hợp quốc, Mỹ và Israel, trước đây là Tổng Giám đốc phụ trách các vấn đề chính trị và an ninh tại Bộ Ngoại giao Pháp.
Hôm 26/7, một cuộc đảo chính quân sự ở Niger đã chứng kiến tướng quân đội Abdourahamane Tiani lật đổ và bắt giữ Tổng thống được bầu Mohamed Bazoum.
Theo ông Araud, cuộc khủng hoảng đó bắt nguồn từ sự phản đối hiện diện của Pháp ở nước này và sự thất vọng của người dân địa phương đối với di sản Françafrique - một thuật ngữ được sử dụng để mô tả các mối quan hệ kinh tế và ngoại giao chặt chẽ nhưng cũng rất tàn bạo của Pháp đối với các vùng thuộc địa cũ ở châu Phi.
Theo ông Araud, tại các quốc gia châu Phi từng là thuộc địa của Pháp, chúng ta đang chứng kiến cuộc nổi dậy của giới trẻ chống lại cả Pháp và chính phủ.
Theo nhà cựu ngoại giao này, sự tức giận nhằm vào Pháp cùng với sự bùng nổ nhân khẩu học và tình trạng nghèo đói cùng cực đã gây căng thẳng đáng kể cho chính quyền các quốc gia ở châu Phi.
Chiến dịch quân sự "Barkhane" thất bại
Pháp đã hiện diện quân sự và kinh tế ở Sahel hàng thế kỷ, xâm chiếm các quốc gia thuộc địa bao gồm Bờ Biển Ngà, Guinea, Senegal và Sudan, cùng nhiều quốc gia khác.
Nền độc lập trong thập niên 1960 không dẫn đến việc cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Pháp.
Cựu Đại sứ Araud lưu ý rằng chiến dịch Serval (2012-2013) nhằm đẩy lùi quân nổi dậy thánh chiến ở phía Bắc Mali, được coi là một thành công đến mức các binh sĩ Pháp được chào đón ở nước này với tư cách là “những chiến binh đấu tranh cho tự do”. “Nhưng mọi đội quân giải phóng sau một thời gian đều trở thành kẻ chiếm đóng”, ông Araud nêu quan điểm.
Chiến dịch Barkhane kéo dài 9 năm, lần đầu tiên được công bố vào năm 2014, có nhiệm vụ rộng hơn Serval và nhằm chống lại chủ nghĩa thánh chiến trên toàn bộ khu vực Sahel. Ông Araud giải thích rằng những người lính Pháp đã làm một công việc to lớn trong những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, nhưng lại không thể chấm dứt được khủng bố thánh chiến. Đến nỗi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kêu gọi ngừng chiến dịch vào tháng 11/2022.
Ở Niger, ông Araud cho rằng việc đóng cửa các doanh trại quân đội Pháp đã diễn ra quá chậm và lập luận: “Việc duy trì các căn cứ quân sự cho thấy nhu cầu muốn can thiệp vào các vấn đề của châu Phi. Theo một cách nào đó, Niger đối với Pháp giống như Afghanistan đối với Mỹ”.
Ông Araud cho biết thêm rằng đã đến lúc bình thường hóa các mối quan hệ chính trị và kinh tế, và Pháp nên coi các đối tác châu Phi của mình là các quốc gia có chủ quyền. “Hãy để việc đó cho các nhà ngoại giao và công ty thương mại, đồng thời cần loại bỏ hoàn toàn hiện diện quân sự”, ông Araud nhận định, đồng thời khẳng định rằng Pháp không còn bất kỳ vai trò nổi bật nào trong khu vực. Đức và Italy, những nước cũng có lực lượng quân sự ở Niger, cũng đang phải đánh giá lại chiến lược của mình.
Ông Araud kết luận việc không có sự thống nhất rõ ràng nào của EU đối với chiến lược chung về châu Phi cũng góp phần gây ra sự hỗn loạn mà khu vực đang trải qua. Mặc dù EU là nhà viện trợ phát triển quan trọng, nhưng các nước thành viên không có chung cách tiếp cận với Sahel. Theo ông, điều này tạo ra sự thất bại của châu Âu.