Cả làng chỉ có một cái bơm tay, cách chỗ Suman ở nửa km. Hàng ngày cô phải đi đến đó từ 2 đến 3 lần. Có thời điểm, sau khi Suman chật vật dùng tay bơm gần nửa tiếng đồng hồ, chỉ có ít nước chảy ra. Bởi tình trạng thiếu nước trầm trọng, Suman buộc phải bỏ học từ nhiều năm trước.
Đây là minh chứng cho thấy tác động từ tình trạng thiếu nước lên nhiều mặt của đời sống con người, với biến đổi khí hậu là một trong những tác nhân chính.
Biến đổi khí hậu – kẻ thù của nguồn nước
Nước và biến đổi khí hậu có mối liên hệ chặt chẽ. Hầu hết tác động của biến đổi khí hậu đều liên quan đến nước. Đặc biệt, biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nước.
Charles Iceland, giám đốc toàn cầu về nước thuộc Chương trình Thực phẩm, Rừng, Nước và Đại dương của của Viện Tài nguyên thế giới (WRI) đánh giá: “Tác động trực tiếp lớn nhất của biến đổi khí hậu đối với con người trên khắp thế giới chính là nước”. Nhà thủy văn học Fred Hattermann tại Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam (Đức) phân tích, trước hết, nhiệt độ càng tăng thì nước sẽ bốc hơi càng nhiều.
Đến năm 2050, năm tỷ người, tương đương khoảng 2/3 dân số thế giới, có nguy cơ rơi vào tình trạng thiếu nước ngọt tối thiểu trong một tháng mỗi năm. Đây là dự đoán đáng báo động nằm trong báo cáo năm 2018 của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc.
Theo LHQ, ngay ở thời điểm này, khoảng hai tỷ người trên toàn thế giới không được tiếp cận với nước uống an toàn và khoảng một nửa dân số thế giới phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng ít nhất một lần trong năm. Những con số này dự kiến sẽ tăng lên do biến đổi khí hậu và tăng trưởng dân số.
Đáng chú ý, chỉ 0,5% lượng nước trên Trái Đất là nước ngọt có sẵn và có thể sử dụng được. Nguồn cung nước bao gồm nước bề mặt (sông, hồ, hồ chứa) và nước ngầm. Biến đổi khí hậu đang tác động nguy hiểm đến nguồn cung này. Trong hai mươi năm qua, trữ lượng nước trên mặt đất, bao gồm độ ẩm của đất, tuyết và băng, đã giảm với tốc độ 1 cm mỗi năm, gây ra rủi ro lớn cho an ninh nước.
Các chuyên gia của LHQ dự đoán, với mỗi lần tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu 1 độ C, nguồn nước tái tạo sẽ giảm 20%.
Trong bối cảnh đó, nhu cầu về nước trên toàn cầu đã tăng gấp đôi kể từ năm 1960. Một phân tích của Viện Tài nguyên Thế giới vào tháng 8/2023 cho thấy 25 quốc gia, trong đó có Ấn Độ, Iran, Mexico và Nam Phi, hiện phải đối mặt với “căng thẳng nước cao độ” hàng năm. Những quốc gia này sử dụng hơn 80% nguồn cung cấp nước tái tạo của họ để phục vụ tưới tiêu, chăn nuôi, công nghiệp và các nhu cầu sinh hoạt khác. Vì vậy, ngay cả một đợt hạn hán ngắn hạn cũng có thể khiến những nơi này đứng trước nguy cơ thiếu nước.
Hậu quả ngoài tầm kiểm soát
Biến đổi khí hậu với căng thẳng về nước kéo dài có thể tác động tàn phá đến sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế. Phần lớn (khoảng 70%) lượng nước ngọt trên thế giới được sử dụng cho nông nghiệp, phần còn lại được phân chia cho mục đích công nghiệp (19%) và sinh hoạt (11%).
Khan hiếm nước thường khiến nông nghiệp lao đao. Do đó, nó đe dọa khả năng tiếp cận lương thực của cộng đồng. Các quốc gia mất an ninh lương thực sẽ phải chiến đấu với nạn đói, trong đó trẻ em có nguy cơ mắc các bệnh bắt nguồn từ suy dinh dưỡng hoặc các bệnh mãn tính do chế độ ăn, chẳng hạn như tiểu đường.
Nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu khiến nước ấm hơn, "mở đường" cho tảo và vi khuẩn có hại phát triển. Chúng có thể hình thành độc tố gây hại cho con người, động vật và môi trường. Tần suất và độ cực đoan ngày càng tăng của các thảm họa thiên nhiên cũng có thể dẫn đến ô nhiễm nguồn nước. Ví dụ như bão và lũ lụt cuốn theo các chất ô nhiễm và độc hại vào sông, hồ, thấm vào tầng ngậm nước ngầm. Điều này dẫn đến ô nhiễm nguồn nước và giết chết các loài thủy sản.
Biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng cao đi kèm với nguy cơ gia tăng xâm nhập mặn. Uống nước có chứa 2% nước biển có thể làm tăng huyết áp và gây hại cho thận. Nếu nước mặn xâm nhập vào đường ống cung cấp nước, nó có thể ăn mòn đường ống và hình thành các sản phẩm phụ khử trùng độc hại trong các nhà máy xử lý nước. Sản phẩm phụ khử trùng hình thành khi các chất khử trùng phản ứng với thành phần hữu cơ có trong nước.
Xâm nhập mặn còn làm giảm tuổi thọ của cầu đường và các cơ sở hạ tầng khác. Nó được cho đã góp phần gây ra vụ sập chung cư Champlain Towers South ở Surfside, bang Florida (Mỹ) năm 2021. Xâm nhập mặn còn làm thay đổi hệ sinh thái, tạo ra những khu rừng ma do cây chết hàng loạt.
Tình trạng khan hiếm nước còn gây căng thẳng chính trị. Ví dụ như ở miền Nam nước Đức, tranh chấp pháp lý về nước đã tăng gấp đôi trong hai thập niên qua. Và tại Pháp, căng thẳng giữa các nhà bảo vệ môi trường và nông dân về việc xây dựng các hồ chứa nước vào tháng 3/2023 dẫn đến đụng độ bạo lực. Các hồ chứa này nhằm giúp nông dân đối mặt với điều kiện khô hạn hơn vào mùa hè bằng cách bơm nước ngầm vào mùa đông, rồi dùng chúng để tưới tiêu vào mùa hè. Tuy nhiên, các nhóm hoạt động vì môi trường cho rằng nên thực hiện các bước để cắt giảm lượng nước sử dụng. Đầu năm 2023, một nghiên cứu sử dụng dữ liệu vệ tinh cho thấy châu Âu đã phải chịu hạn hán nghiêm trọng kể từ năm 2018. Nhiệt độ tăng do biến đổi khí hậu gây khó khăn cho khả năng phục hồi, khiến Lục địa già mắc kẹt trong một chu kỳ nguy hiểm với nguồn nước trở nên bấp bênh hơn bao giờ hết.
Các nhà quản lý đang "đau đầu" trong việc đưa ra quyết định về phân phối nước bởi phải cân bằng hài hòa nhu cầu sử dụng nước khác nhau từ ngành nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt của người dân và môi trường, trong bối cảnh nguồn nước hứng chịu nhiều rủi ro từ biến đổi khí hậu.
Có thể thấy, việc dự đoán số phận tài nguyên nước toàn cầu dựa trên kịch bản khí hậu trong tương lai là vô cùng quan trọng để phát triển các chiến lược thích ứng. Không chỉ có các cơ quan quản lý, chính mỗi cá nhân cũng cần chung tay hành động để bảo vệ nước – nguồn sống quan trọng của nhân loại.