Theo đó, Ấn Độ sẽ sản xuất vaccine ngừa COVID-19 đơn liều của Johnson & Johnson (Mỹ) như một phần trong sáng kiến của nhóm "Bộ Tứ" này.
Theo kế hoạch, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh "Bộ Tứ" đầu tiên kéo dài khoảng 90 phút vào tối 12/3.
Trước thềm cuộc họp, giới chức Mỹ cho biết các nước nhóm "Bộ Tứ" đã nhất trí hợp tác để sản xuất 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào năm 2022 trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực đẩy lùi virus SARS-CoV-2 gây bệnh.
Trong kế hoạch này, Ấn Độ - trung tâm dược phẩm của thế giới - sẽ sản xuất vaccine ngừa COVID-19 loại một liều của Johnson & Johnson với sự hỗ trợ tài chính của Nhật Bản, trong khi Australia phụ trách việc vận chuyển. Một quan chức giấu tên cho biết: "Những gì chúng tôi nỗ lực thúc đẩy là một cách tiếp cận trên diện rộng nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt vaccine trầm trọng trên khắp Đông Nam Á nói riêng".
Giới quan sát nhận định sáng kiến này cũng sẽ củng cố vị thế của Ấn Độ với tư cách là nhà sản xuất và cung cấp vaccine đáng tin cậy. Ấn Độ sản xuất 60% lượng vaccine trên thế giới và việc hỗ trợ triển khai vaccine được dự kiến sẽ là một nội dung chính trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo "Bộ Tứ" này.
Cùng ngày, nhật báo The Sydney Morning Herald cũng đưa tin hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của các nhà lãnh đạo nhóm "Bộ Tứ" này dự kiến sẽ tập trung thảo luận về kế hoạch triển khai hàng triệu vaccine ngừa COVID-19 cho các nước đang phát triển trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo kế hoạch trên, vaccine đơn liều của Johnson & Johnson được phát triển ở Mỹ sẽ được sản xuất ở Ấn Độ và được vận chuyển khắp khu vực. Australia sẽ tham gia hỗ trợ hậu cần cho việc phân phối đại trà vaccine.
Bên cạnh kế hoạch triển khai vaccine, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về tình hình Biển Đông cũng như cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
* Phát biểu họp báo ngày 12/3, ông Taro Kono, Bộ trưởng Cải cách hành chính Nhật Bản đồng thời là người phụ trách chiến dịch tiêm chủng vaccine cho biết nước này sẽ tiếp nhận khoảng 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) trong tháng 5 và tháng 6, đủ để chủng ngừa cho gần 50% dân số Nhật Bản. Theo ông, các lô vaccine được vận chuyển từ nhà máy của Pfizer ở Bỉ sẽ phải được phê duyệt riêng trong khuôn khổ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Liên minh châu Âu (EU).
Vaccine của Pfizer/BioNTech là loại vaccine duy nhất được Bộ Y tế Nhật Bản phê duyệt cho đến nay. Bộ trưởng Kono cho biết sau khi đàm phán với Pfizer, trong tháng 5, Nhật Bản dự kiến sẽ nhận được gần 1,8 triệu lọ vaccine, có thể chiết ra khoảng 10,7 triệu liều sử dụng bơm kim tiêm có khoảng chết thấp mỗi tuần. Trước đó, Thủ tướng Suga đã cam kết đảm bảo có đủ vaccine ngừa COVID-19 cho 126 triệu dân Nhật Bản trong nửa đầu năm 2021.
Nhật Bản đang tiến hành chủng ngừa cho 4,8 triệu nhân viên y tế và có kế hoạch mở rộng việc triển khai tiêm chủng cho những người ngoài 65 tuổi (khoảng 36 triệu người) vào giữa tháng 4 tới. Nhóm đối tượng tiêm chủng tiếp theo là những người có bệnh lý nền như bệnh tiểu đường và nhân viên tại các viện dưỡng lão.