Thông cáo của Bộ Ngoại giao Saudi Arabia nêu rõ nước này hoan nghênh việc bầu ra chính quyền chuyển tiếp ở Libya tại Hội nghị diễn đàn chính trị Libya tổ chức tại Geneva. Saudi Arabia bày tỏ hy vọng thành quả này sẽ đảm bảo sự thống nhất và chủ quyền của Libya.
Cùng ngày 6/2, Bộ Ngoại giao Algeria đã bày tỏ hoan nghênh những tiến bộ đạt được trong đối thoại chính trị ở Libya dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc (LHQ), qua đó hình thành được cơ quan lập pháp lâm thời. Algeria khẳng định sẵn sàng hợp tác hoàn toàn với Chính phủ lâm thời của Libya để đạt được hòa bình, ổn định, đáp ứng được nguyện vọng của người dân, với cách tiếp cận toàn diện, dựa trên bảo vệ chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ nước láng giềng.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Ai Cập ngày 5/2 ra tuyên bố hoan nghênh các đại diện Libya tham gia cuộc đàm phán tại Thụy Sĩ do LHQ làm trung gian đã bầu ra chính phủ lâm thời với hy vọng chấm dứt xung đột kéo dài một thập kỷ ở quốc gia Bắc Phi này thông qua các cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào cuối năm 2021. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập Ahmed Hafez khẳng định Cairo mong muốn hợp tác với Chính phủ lâm thời Libya trong thời gian tới cho đến khi chính phủ này chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân cử sau cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 24/12/2021. Bên cạnh đó, Ai Cập cũng đánh giá cao những nỗ lực của LHQ trong bảo trợ tiến trình chính trị Libya, đồng thời kêu gọi các bên trong khu vực và quốc tế ủng hộ tiến trình hòa bình và khôi phục ổn định ở Libya.
Tại Libya, lực lượng ủng hộ Tướng Khalifa Haftar tại miền Đông Libya ngày 6/2 đã chúc mừng người dân nước này bầu ra chính quyền chuyển tiếp để lãnh đạo đất nước cho đến khi các cuộc bầu cử được tổ chức vào tháng 12 tới.
Ngày 5/2, Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya (LPDF) do LHQ bảo trợ diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) đã bỏ phiếu bầu Hội đồng tổng thống gồm 3 người và một thủ tướng. Ông Mohammad Younes Menfi được bầu làm người đứng đầu Hội đồng tổng thống và ông Abdul Hamid Mohammed Dbeibah làm thủ tướng. Theo LHQ, Hội đồng tổng thống có nhiệm vụ gắn kết các cơ quan nhà nước và đảm bảo an ninh cho đến cuộc bầu cử tại Libya. LPDF gồm 75 đại biểu do LHQ chỉ định để đại diện cho các khu vực, bộ lạc và phe phái chính trị tại Libya.