Theo hình ảnh phát trực tiếp tại Diễn đàn chính trị Libya diễn ra gần Geneva (Thụy Sĩ), 75 người là đại diện của các khu vực, bộ lạc và các phe phái chính trị đã bỏ phiếu vào 3 hòm phiếu đại diện cho 3 khu vực tại quốc gia Bắc Phi này, gồm Tripolitania ở phía Tây, Cyrenaica ở phía Đông và Fezzan ở phía Nam. Kết quả bỏ phiếu dự kiến sẽ được công bố cùng ngày.
Hội đồng tổng thống sẽ gồm 1 tổng thống và hai phó tổng thống. 24 ứng cử viên chạy đua cho 3 vị trí này đã có bài phát biểu tranh cử vào ngày 2/2 bằng hình thức trực tuyến, trong đó kêu gọi sự hòa giải và chấm dứt sự hiện diện của gần 20.000 binh sĩ nước ngoài tại nước này. Theo kế hoạch, vào ngày 5/2, các đại diện sẽ bầu ra người đảm nhận vị trí thủ tướng. 21 ứng cử viên đã cạnh tranh cho vị trí này và cũng sẽ có bài phát biểu tranh cử trực tuyến tại cuộc đối thoại hòa bình này.
Theo LHQ, Hội đồng tổng thống có nhiệm vụ gắn kết các cơ quan nhà nước và đảm bảo an ninh cho đến cuộc bầu cử tại Libya dự kiến diễn ra vào tháng 12 năm nay.
Trong các cuộc đàm phán riêng rẽ ở Geneva diễn ra hồi cuối tháng 1 vừa qua, các đại diện của Libya đã bỏ phiếu thông qua cơ chế bầu chọn cơ quan hành pháp lâm thời để điều hành đất nước cho đến cuộc bỏ phiếu tháng 12 tới. Trước đó, ngày 20/1, các đặc phái viên của Libya tham dự cuộc đàm phán do LHQ hậu thuẫn tại Ai Cập cũng nhất trí tổ chức trưng cầu dân ý về Hiến pháp trước cuộc bầu cử dự kiến diễn ra ngày 24/12/2021.
Sau khi rơi vào cuộc nội chiến phức tạp kể từ năm 2011, tại Libya hình thành hai lực lượng chính gồm Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ và LHQ công nhận, trong khi lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar được sự hậu thuẫn của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Nga. Ngày 23/10/2020, tại Geneva (Thụy Sĩ), đại diện của GNA và LNA đã ký thỏa thuận ngừng bắn lâu dài dưới sự trung gian bảo trợ của LHQ.