Trong tuyên bố chung công bố ngày 23/1, các phe phái đối lập ở Libya cho biết tiến trình này sẽ kéo dài đến ngày 2/2, nhằm nhanh chóng bổ nhiệm một số chức vụ quan trọng để thúc đẩy phối hợp với cơ quan hành pháp lâm thời sắp được bầu vào tuần tới tại Genenva (Thụy Sĩ).
Tuyên bố cho biết, các chức vụ sẽ được đề cử bao gồm những người đứng đầu ngân hàng trung ương, ủy ban bầu cử, ủy ban chống tham nhũng, tòa án tối cao và cơ quan kiểm soát hành chính cũng như tổng công tố. Các phe phái cũng nhất trí thành lập các nhóm làm việc để giải quyết các vấn đề liên quan đến tiến trình đề cử , vốn là điểm mẫu thuẫn giữa hai chính quyền đối địch tại Libya.
Đây là vòng đàm phán mới nhất giữa các bên kể từ sau vài cuộc đối thoại về Libya hồi tháng 9/2020 cũng tại Maroc.
Trong các cuộc đàm phán riêng rẽ ở Geneva hồi đầu tuần này, các đại diện của Libya đã bỏ phiếu thông qua cơ chế chọn một cơ quan hành pháp lâm thời để điều hành đất nước cho đến cuộc bỏ phiếu tháng 12/2021.
Trước đó, ngày 20/1, các đặc phái viên của Libya tham dự cuộc đàm phán do LHQ hậu thuẫn tại Ai Cập cũng nhất trí tổ chức trưng cầu dân ý về Hiến pháp trước cuộc bầu cử dự kiến diễn ra ngày 24/12/2021.
Sau khi rơi vào cuộc nội chiến phức tạp kể từ năm 2011, tại Libya hình thành hai lực lượng chính gồm Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ và LHQ công nhận, trong khi lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Khalifa Haftar được sự hậu thuẫn của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập và Nga. Ngày 23/10/2020, tại Geneva (Thụy Sĩ), đại diện của GNA và LNA đã ký thỏa thuận ngừng bắn lâu dài dưới sự trung gian bảo trợ của LHQ. Tiếp sau đó, trong cuộc họp của LPDF tại Tunisia hồi tháng 11/2020, đại diện cho các tổ chức chính trị và xã hội tại Libya đã bỏ phiếu về cơ chế lựa chọn cơ quan hành pháp thống nhất và nhất trí tổ chức tổng tuyển cử tại Libya vào ngày 24/12/2021.