Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Suzuki cho biết đã đưa ra cam kết trên tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), do Nhật Bản chủ trì, bên lề Hội nghị mùa Xuân của Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF đang diễn ra tại thủ đô Washington (Mỹ). Trong khoản phân bổ 650 tỷ USD năm 2021 nhằm giúp các nước thành viên IMF đối phó với đại dịch COVID-19, Nhật Bản - nước đóng góp lớn thứ hai cho IMF, nhận được 29,5 tỷ SDR, trị giá khoảng 39,7 tỷ USD tính theo tỷ giá hối đoái hiện nay. Việc phân bổ lại 40% SDR cho các nước nghèo hơn tương đương khoảng 15,9 tỷ USD.
Trước đó, Nhật Bản đã cam kết phân bổ lại 20% SDR mà nước này nhận được trong đợt phân bổ chung năm 2021 cho những nước nghèo hơn thông qua các quỹ tín thác IMF.
SDR là một tài sản dự trữ quốc tế có lãi suất được IMF tạo ra vào năm 1969 để bổ sung cho các tài sản dự trữ khác (như vàng, ngoại tệ) của các nước thành viên. Định giá SDR dựa trên một rổ tiền tệ quốc tế gồm đồng USD, euro, yen, bảng Anh và nhân dân tệ. SDR có khả năng quy đổi/sử dụng tự do trong các thành viên IMF. Giá trị của SDR được IMF thay đổi hằng ngày, trên cơ sở tỷ lệ cố định của các đơn vị tiền tệ trong giỏ SDR và tỷ giá hối đoái thị trường hằng ngày giữa các đơn vị tiền tệ trong giỏ SDR. SDR chỉ được phân bổ cho các thành viên IMF, được nắm giữ và sử dụng bởi các nước thành viên, IMF và một số tổ chức tài chính, trừ tổ chức tư nhân hoặc cá nhân. SDR cũng đóng vai trò là đơn vị giao dịch trên tài khoản của IMF và một số tổ chức quốc tế khác, kể cả các khoản vay và nghĩa vụ tài chính.
Mới đây, Pháp đã cam kết dành 30% SDR mà nước này nhận được cho các quỹ tín thác của IMF, trong đó có Quỹ tín thác Khả năng phục hồi và bền vững (RST). Đây là mức phân bổ SDR lớn nhất từ trước đến nay của Pháp. Trong tuyên bố đưa ra ngày 10/4, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết RST hiện có khoảng 40 tỷ USD và đã có 44 quốc gia quan tâm đến việc vay từ quỹ tín thác này cho các dự án khí hậu và các nhu cầu khác.