Nhật Bản kêu gọi tiếp tục gây sức ép với Triều Tiên về chương trình hạt nhân

Ngày 9/1, Nhật Bản kêu gọi tiếp tục gây sức ép đối với Triều Tiên bất chấp cuộc đàm phán chính thức cấp cao đầu tiên giữa hai miền Triều Tiên kể từ 2 năm qua tại làng đình chiến Panmunjom.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã hoan nghênh thông báo của phía Triều Tiên về việc cử một phái đoàn tới Hàn Quốc tham dự Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 sắp diễn ra vào tháng 2 tới. Tuy nhiên, ông Suga cho biết việc này sẽ không làm thay đổi sự hợp tác của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc gây áp lực để Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Trong một tuyên bố, ông Suga nhấn mạnh điều cần thiết là Triều Tiên phải thay đổi chính sách.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trước đó cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đã điện đàm với người đồng cấp Canada Chrystia Freeland, trong đó hai bên nhất trí tiếp tục gây sức ép với Triều Tiên. Ngoại trưởng Kono dự kiến sẽ đến Canada vào tuần tới tham dự cuộc họp cấp bộ trưởng về vấn đề Triều Tiên do Canada và Mỹ đồng tổ chức.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera và người đồng cấp Mỹ Jim Mattis cũng có cuộc điện đàm, trong đó hai bên nhất trí rằng cộng đồng quốc tế vẫn sẽ tiếp tục nỗ lực gây sức ép tối đa với Triều Tiên nếu nhà lãnh đạo Kim Jong Un không từ bỏ tham vọng hạt nhân.

Trong khi đó, ông Ri Son Gwon, trưởng phái đoàn Triều Tiên tham dự đàm phán cấp cao liên Triều cho biết việc thảo luận về chương trình hạt nhân và kho vũ khí của Triều Tiên sẽ tác động tiêu cực đến mối quan hệ liên Triều.

Phát biểu khi kết thúc đàm phán với Hàn Quốc, ông Ri Son Gwon cho biết các vũ khí của Triều Tiên chỉ nhắm tới Mỹ, chứ không nhắm vào "những nước anh em" như Trung Quốc hoặc Nga. Ông nói thêm rằng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng không phải là vấn đề giữa hai miền Triều Tiên.

Trước đó, cùng ngày, Hàn Quốc và Triều Tiên đã ra tuyên bố chung về đàm phán cấp cao liên Triều, trong đó phía Triều Tiên sẽ cử đoàn Ủy ban Olympic Quốc gia, các vận động viên, đội cổ vũ, đội biểu diễn nghệ thuật, cổ động viên, một đoàn trình diễn Taekwondo và đoàn phóng viên tới Hàn Quốc tham dự Olympic mùa Đông PyeongChang 2018.

Ngoài ra, hai bên đạt được thỏa thuận về việc sẽ tiến hành tổ chức hội đàm quân sự nhằm giảm căng thẳng và cải thiện quan hệ liên Triều; tiếp tục tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao cũng như các cuộc đàm phán cấp chuyên viên về vấn đề Olympic mùa Đông PyeongChang 2018.

Phản ứng trước việc Triều Tiên sẽ tham dự Olympic PyeongChang 2018, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã hoan nghênh quyết định này. Theo người đứng đầu IOC Thomas Bach, đây là "một bước tiến lớn theo tinh thần Olympic".

Đàm phán cấp cao liên Triều đã được hai bên nhất trí sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong thông điệp Năm Mới bày tỏ sẵn sàng cử một phái đoàn của Triều Tiên tham gia Olympic mùa Đông PyeongChang 2018  và cho biết Triều Tiên để ngỏ đối thoại.

Đường dây nóng giữa hai miền đã được mở lại cuối tuần trước. Chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hy vọng việc Triều Tiên tham gia Thế vận hội tới sẽ giúp giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, theo đó mối quan hệ liên Triều tốt đẹp hơn sẽ tạo điều kiện để giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng, thúc đẩy các cuộc đối thoại giữa Mỹ với Triều Tiên.

TTXVN/Báo Tin tức
Triều Tiên khẳng định sẽ tham dự Olympic PyeongChang 2018
Triều Tiên khẳng định sẽ tham dự Olympic PyeongChang 2018

Các vận động viên và quan chức Triều Tiên sẽ tham dự Olympic mùa Đông PyeongChang 2018 sắp diễn ra vào tháng tới tại Hàn Quốc. Đó là tuyên bố chung được Hàn Quốc và Triều Tiên đưa ra ngày 9/1 trong cuộc đàm phán chính thức cấp cao đầu tiên giữa hai miền kể từ hơn 2 năm qua tại Nhà Hòa Bình ở làng đình chiến Panmunjom.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN