Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Nhật Bản đang nỗ lực thúc đẩy chương trình tiêm chủng và Thủ tướng Suga Yoshihide cân nhắc gia hạn tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và các khu vực khác khi chỉ còn 2 tháng nữa sẽ diễn ra Olympic Tokyo.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Kato cho biết chính phủ sẽ tăng khoản thanh toán mỗi liều vaccine COVID-19 từ 2.070 yen (19 USD) lên 4.070 yen cho các phòng khám tiêm hơn 100 mũi/tuần trong vòng 4 tuần và lên tới 5.070 yen cho những cơ sở tiêm hơn 150 mũi. Các phòng khám và bệnh viện tiêm được hơn 50 mũi mỗi ngày sẽ nhận được 100.000 yen/ngày và được thanh toán thêm 1 khoản tiền nếu phải điều động bác sĩ và y tá đến các cơ sở y tế khác thiếu nhân viên.
Nhật Bản đã khởi động chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào tháng 2 vừa qua, bắt đầu từ các nhân viên y tế và sau đó mở rộng cho đối tượng trên 65 tuổi, song nỗ lực này đã bị ảnh hưởng do tình trạng thiếu bác sĩ và y tá. Hiện mới chỉ có hơn 5% trong tổng số 126 triệu người dân nước này được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong khi chỉ khoảng 2% dân số đã tiêm đủ 2 liều vaccine.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Norihisa Tamura cho biết chính phủ đang cân nhắc gia hạn tình trạng khẩn cấp COVID-19, vốn dự kiến hết hạn vào ngày 31/5 tới, tại Tokyo, Osaka và 7 tỉnh, thành khác trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại nước này vẫn chưa giảm mạnh, khiến hệ thống y tế nước này đang bị kéo căng. Theo ông Tamura, về tổng thể, số ca nhiễm tại Nhật Bản đang có chiều hướng giảm song tại một số khu vực, tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp
Cũng trong ngày 25/5, chính quyền tỉnh Osaka đã đề nghị chính quyền trung ương gia hạn tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh tỷ lệ giường bệnh đang được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng vẫn ở mức trên 80%.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Seoul, từ ngày 27/5, người dân Hàn Quốc có thể tra cứu các cơ sở y tế còn dư vaccine phòng COVID-19 và đặt lịch tiêm phòng trên các ứng dụng điện thoại di động như Naver và Kakao.
Nhóm xúc tiến tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho biết đã phát triển tính năng kiểm tra lượng vaccine còn dư và đặt lịch tiêm chủng trên Naver và Kakao, bắt đầu thí điểm trong vòng 2 tuần từ ngày 27/5, sau đó triển khai chính thức từ ngày 9/6.
Khi tra cứu cơ sở y tế còn vaccine, người dân phải nhập danh tính mới có thể đặt lịch tiêm. Những người sinh sau ngày 1/1/1992 thuộc đối tượng không khuyến nghị tiêm vaccine của hãng AstraZeneca (Anh) thì không thể đặt lịch tiêm.