Nguy cơ xích mích thương mại giữa Mỹ và châu Âu

Châu Âu đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu với Washington liên quan đến luật mới khuyến khích đầu tư nhiều hơn trong lãnh thổ Mỹ.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tại Nhà Trắng ngày 1/12. Ảnh: Reuters

Tờ Wall Street Journal (Mỹ) đưa tin các quan chức châu Âu cho rằng động thái này sẽ đe dọa kinh tế khu vực. Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã thảo luận về vấn đề này trong cuộc gặp tại Washington cuối tháng 11. Nhà lãnh đạo Mỹ thể hiện cởi mở khi thảo luận nhưng không đưa ra cam kết về việc sửa luật. Các nhà lãnh đạo châu Âu trong khi đó đang cân nhắc đưa ra phản ứng.

Vấn đề xoay quanh Đạo luật Giảm Lạm phát với nội dung trợ cấp cho các công ty Mỹ và quốc tế đầu tư vào Mỹ trong một số lĩnh vựa nhất định, trong đó có năng lượng sạch. Liên minh châu Âu (EU) cho rằng Đạo luật Giảm Lạm phát là chính sách làm hại láng giềng nhằm dụ dỗ các nhà đầu tư khỏi châu Âu đến Mỹ.

Nguy cơ rạn nứt Mỹ - châu Âu có thể gây khó khăn cho nỗ lực của phương Tây tìm quan điểm chung trong đối đầu với Trung Quốc. Điều này cũng xảy ra ở giai đoạn nhạy cảm với EU khi khối này đang đau đầu vì lạm phát cao, bất định về nguồn cung năng lượng và tranh chấp kinh tế với Nga.

Các quan chức Pháp tiết lộ rằng qua trao đổi với Tổng thống Biden, ông Macron tìm cách thuyết phục người đồng cấp Mỹ rằng Washington không có lợi ích khi làm châu Âu yếu đi ở thời điểm này. Họ cũng nhấn mạnh rằng cả hai phía đều muốn chuyển tiếp sang năng lượng xanh và tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.

Tổng thống Macron ngày 2/12 phát biểu tại New Orleans: “Vào đầu năm sau, chúng ta phải giải quyết được vấn đề này”. Các quan chức Mỹ trong khi đó cho biết họ không có ý định làm suy yếu công nghiệp châu Âu và sẵn sàng đối thoại.

Tổng thống Biden chưa đưa ra bất cứ cam kết cụ thể nào và các quan chức châu Âu cũng nhất mạnh rằng nhà lãnh đạo Mỹ đã loại trừ khả năng gửi lại đạo luật về quốc hội. Đây là bước cần thiết cho bất cứ thay đổi nào.

Ngày 4/12, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU sẽ nghiên cứu thay đổi quy định của khối đối với trợ cấp chính phủ và cân nhắc quỹ mới để đối phó với Đạo luật Giảm Lạm phát.

Một giải pháp khác là EU khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, WTO có thể phải mất hơn một năm để phân xử khiếu nại.

EU đang chuẩn bị các biện pháp bảo hộ riêng của khối, bao gồm thuế carbon nằm ngoài biên giới với khả năng áp thuế lên một số hàng hóa không có nguồn gốc châu Âu và góp phần gây biến đổi khí hậu.

Đến thời điểm này, hai nền kinh tế lớn nhất EU là Pháp và Đức chưa nhất trí về phản ứng với Đạo luật Giảm Lạm phát. Paris có lập trường cứng rắn hơn và gợi ý về chương trình trợ cấp toàn khối EU đối đầu với kế hoạch của chính quyền ông Biden.

Trong khi đó, Berlin lo lắng rằng nền kinh tế dựa vào xuất khẩu sẽ chịu tác động của ma sát mậu dịch bổ sung, đồng thời nước này cũng ngần ngại về cái giá của trợ cấp.

Đức cam kết chi gần 300 tỷ euro để bảo vệ các doanh nghiệp và hộ gia đình trước giá nhiên liệu tăng vọt. Do đó, các quan chức Đức cho rằng chương trình trợ cấp sẽ gây thêm sức ép cho lĩnh vực tài chính công của nước này và những quốc gia mắc nợ nhiều như Italy và Pháp.

Bên cạnh đó, Đức còn lo ngại chương trình trợ cấp của EU có thể vi phạm các quy tắc của WTO trong khi châu Âu đang thúc giục Nga và Trung Quốc tôn trọng các quy tắc quốc tế.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông tin rằng một thỏa thuận thương mại sẽ là phương pháp tốt hơn so với trợ cấp để xoa dịu xung đột. EU và Mỹ từng cố gắng đàm phán về phán một thỏa thuận thương mại và đầu tư toàn diện nhưng thất bại do phản đối từ các công đoàn và nhóm môi trường châu Âu.

Giới chức Đức nhấn mạnh rằng cần tránh xung đột thương mại toàn diện giữa EU và Mỹ vì sự gắn kết xuyên Đại Tây Dương là cần thiết trong đối đầu với Nga. Các quan chức EU tham gia vào đàm phán với Washington tiết lộ rằng có khả năng châu Âu sẽ đưa ra một số hình thức trợ cấp để đáp trả Đạo luật Giảm Lạm phát nhưng sẽ không cùng quy mô với Mỹ.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo WSJ)
Quan hệ EU - Mỹ ‘mất đồng bộ' vì giá năng lượng đắt đỏ
Quan hệ EU - Mỹ ‘mất đồng bộ' vì giá năng lượng đắt đỏ

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định quan hệ giữa EU - Mỹ bị "mất đồng bộ" khi đồng minh Bắc Mỹ bán khí đốt cao gấp sáu lần giá gốc cho châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN