Để hỗ trợ gia đình, năm 2018, chàng trai 26 tuổi này đã chuyển từ Bihar đến New Delhi để làm nhân viên giao hàng tại một công ty logistics. Và đây là công việc nóng nhất mà anh từng trải qua. Aman cho biết anh chưa từng phải chịu đựng điều kiện làm việc nóng như thiêu đốt như hiện nay.
Một số khu vực của Ấn Độ đang bị nhấn chìm bởi một đợt nắng nóng khắc nghiệt. Trong tháng trước, nhiệt độ ở Delhi đã tăng lên mức cao nhất từng được ghi nhận 52,9 độ C. Năm 2021, Ấn Độ được xác định là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất của nhiệt độ khắc nghiệt trên thế giới.
“Khi tôi lái xe máy đi giao hàng, luồng khí nóng thổi vào người khiến tôi có cảm giác như đang ngồi cạnh lò sưởi”, Aman nói.
Người giao hàng cho biết tháng trước, anh đã ngất xỉu vì trời nóng khi đang giao hàng ở một khu vực xa xôi của Delhi. Một người bán hàng đã đến giúp anh và đổ nước lạnh lên đầu Aman để anh tỉnh lại.
“Kể từ sự cố đó, tôi luôn mang theo những chai nước nhỏ và dội nước lên đầu và mặt nhiều lần trong ngày để giữ được tỉnh táo”, Aman nói khi quần áo anh ướt đẫm mồ hôi.
Theo báo cáo gần đây của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP), nhiệt độ tăng cao ở Ấn Độ sẽ làm giảm 5,8% giờ làm việc hằng ngày vào năm 2030. Với 90% người lao động trong nước làm việc trong khu vực phi chính thức, việc mất giờ làm việc sẽ gây ra những thách thức đáng kể.
Trong đợt nắng nóng khắc nghiệt, gia đình Aman lo lắng về sức khỏe và sự an toàn của anh. Tuy nhiên, nghỉ việc hay chuyển sang công việc khác không phải là một lựa chọn. Aman cho biết: “Khi lái xe, tôi đã nghĩ về những kịch bản không lường trước sẽ xảy ra với mình do thời tiết nóng bức. Điều đó khiến tôi lo sợ. Nhưng thật không may, tôi không có kỹ năng nào khác ngoài lái xe. Tôi phải chăm sóc gia đình, vì vậy, tôi không thể bỏ công việc này bằng bất kỳ giá nào”.
Aman chia sẻ nhiệt độ cao không chỉ hưởng đến tinh thần mà còn ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành mục tiêu giao hàng của anh. Vào mùa đông, thu nhập hàng ngày của anh ở khoảng 750 rupee Ấn Độ (230 nghìn đồng). Bây giờ, con số đã giảm xuống còn 500 rupee (150 nghìn đồng).
“Tôi thực sự ám ảnh không biết sẽ chăm sóc gia đình mình thế nào”, Aman than thở trong khi chuẩn bị giao bưu kiện cuối cùng trong ngày, kết thúc ca làm việc kéo dài 10 tiếng.
Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu chính phủ NITI Aayog, có tới 7,7 triệu người làm việc tự do ở Ấn Độ. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 23,5 triệu vào năm 2029 - 2030.
Bên ngoài một quán ăn nhỏ ở Nam Delhi, anh Sharukh, 25 tuổi, làm việc cho nền tảng giao đồ ăn Zomato, đứng đối diện với một chiếc tủ lạnh cũ kỹ, rỉ sét.
“Các nhà hàng sang trọng thậm chí còn không cho chúng tôi đứng trước cửa khi chúng tôi đến lấy hàng”, anh Sharukh nói, đồng thời nói thêm rằng những người giao hàng cũng thường xuyên phải xin nước trong cái nóng không thể chịu nổi và bị đối xử như “những người không ai thèm chạm tới”.
Kể từ khi đợt nắng nóng bùng phát, anh Sharukh đã tránh nhận đơn từ các nhà hàng cao cấp. Anh thường nhận giao đến những cơ sở nhỏ, nơi được cho nước uống và có chỗ để nghỉ ngơi trong thời gian đơn hàng đang chuẩn bị.
“Tôi không phải là một cỗ máy có thể làm việc cả ngày trong cái nhiệt độ không thể chịu nổi này”, Sharukh nói khi chờ nhận đơn hàng thứ 7 của ca làm việc. Mỗi ngày anh thường kiếm được khoảng nhà 500 đến 650 rupee (150 – 200 nghìn đồng).
Từ tháng 3 đến tháng 5, có khoảng 25.000 trường hợp nghi bị sốc nhiệt và 56 trường hợp tử vong trong đợt nắng nóng nghiêm trọng ở Ấn Độ. Trong đó, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Quốc gia (NCDC), tháng 5 là tháng tồi tệ nhất, với 46 ca tử vong chỉ riêng do nắng nóng. Các hãng truyền thông bao gồm Reuters và The Hindu đưa tin số ca tử vong liên quan đến nắng nóng có thể lên tới 80 hoặc thậm chí 100.
Nắng nóng cũng ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của gia đình Sharukh. Thanh niên 25 tuổi này cho biết nơi ở của anh thường xuyên mất điện khiến anh không thể nghỉ ngơi đầy đủ và tình trạng của anh trở nên tồi tệ hơn. Anh cho biết mẹ anh khăng khăng bắt anh tìm một công việc khác, nhưng đó không phải là lựa chọn khả thi khi xét đến tỷ lệ thất nghiệp cao của cả nước. Hơn nữa, các công ty chưa đưa ra biện pháp nào để đảm bảo an toàn và phúc lợi cho người lao động khi nắng nóng khắc nghiệt.
Theo báo cáo năm 2024 của Janpahal, tổ chức phi lợi nhuận tại Delhi, các tình huống như giờ làm việc kéo dài, áp lực phải đáp ứng mục tiêu giao hàng, mang vác vật nặng, thu nhập không ổn định và thiếu an sinh xã hội như bảo hiểm y tế đều tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của những người lao động tự do.
Bà Selomi Garnaik, nhà vận động tại Greenpeace Ấn Độ, giải thích: “Mặc dù tất cả chúng ta đều sống ở nhiệt độ tương tự nhau, nhưng gánh nặng do nhiệt độ tạo ra không được chia đều. Sóng nhiệt tác động không cân xứng đến những người làm việc ngoài trời, buộc họ phải chịu đựng nhiệt độ khắc nghiệt và gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe và sự an toàn của họ”.
Bà Garnaik cho biết Greenpeace Ấn Độ đang yêu cầu Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia (NDMA) tuyên bố sóng nhiệt là thảm họa quốc gia để đảm bảo phân bổ quỹ hiệu quả cho việc thích ứng, giảm thiểu và cứu trợ sóng nhiệt.
“Thật không may, các kế hoạch hành động ứng phó với nhiệt độ cao chỉ mới là các tài liệu hướng dẫn đơn thuần. Điều này cần phải thay đổi. Các kế hoạch hành động ứng phó với nhiệt độ cao nên ưu tiên những người lao động ngoài trời và chú ý đến nhu cầu của họ - gồm giảm giờ làm việc trong thời gian nắng nóng đỉnh điểm, cung cấp trợ cấp vắng mặt khi làm việc và đảm bảo tiếp cận các dịch vụ công cộng cơ bản như điện và nước. Đã đến lúc phải giải quyết tình trạng bất bình đẳng này và bảo vệ những người ở tuyến đầu trong thời điểm đầy thách thức này”, bà Garnaik nói thêm.
Anh Govinda Shah, 27 tuổi, làm việc cho nền tảng giao hàng Zepto, cho biết: “Đối với những người như tôi, những người đang chật vật kiếm sống qua ngày, nhiệt độ ở Delhi giống như địa ngục”.
Shah ngồi dưới gốc cây chờ đơn hàng tiếp theo bên ngoài một khu nhà ở tại trung tâm công nghệ lớn thứ hai của Ấn Độ, Gurugram, một thành phố vệ tinh lớn của New Delhi.
Anh làm việc theo ca 10 tiếng để kiếm sống, kiếm được khoảng 600 rupee (180 nghìn đồng)/ngày. Nhiệt độ quá cao gây ra thách thức về cả thể chất lẫn tinh thần cho Shah.
“Tôi bị phát ban khiến việc đi lại trở nên đau đớn. Quần áo của tôi cũng bốc mùi rất khó chịu, khiến tôi cảm thấy xấu hổ trước mặt khách hàng. Trước khi đi ngủ, tôi luôn cầu nguyện đợt nắng nóng này sớm kết thúc, nếu không sẽ rất khó để sống sót”, Shah nói.