Phát biểu trên chương trình talk-show ANC's Headstart (kênh ABS-CBN News) ngày 8/2, Ngoại trưởng Philippines nói: “Điều đầu tiên tôi khẳng định, đây là vấn đề không phải tranh luận: một Bộ qui tắc ứng xử (COC) sẽ không bao giờ hất cẳng một cường quốc phương Tây như Mỹ khỏi khu vực này. Đó là hiện ước phòng thủ chung (giữa Mỹ và Philippines)… Với điều ấy, bạn có được sự đảm bảo về cân bằng quyền lực trong khu vực và khi đó chúng tôi sẽ thương lượng về cách thức ứng xử với mỗi bên về vấn đề này, vấn đề kia… Bộ qui tắc COC sẽ không giải quyết vấn đề ‘các phạm vi địa lý’, mà là để tránh một cuộc xung đột diện rộng”.
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Philippines, gần đây có một bản dự thảo đàm phán COC “dài”, mà ông tuyên bố muốn giảm xuống còn khoảng 8 trang. Theo Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr., ông đã hối thúc xúc tiến cuộc thương lượng về Bộ qui tắc COC dù đại dịch COVID-19 đang diễn ra.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cũng lưu ý rằng Bộ qui tắc COC này sẽ chỉ được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thông qua trên nguyên tắc đồng thuận. Khi được hỏi rằng liệu có khó khăn nào giữa các bên láng giềng của Philippines trong việc thông qua COC, ông Teodoro Locsin Jr nói: “Tới thời điểm này, họ đang thúc đẩy bộ qui tắc một cách chưa chuẩn xác”.
Theo ABS-CBN News, lần đọc rà soát bản dự thảo thứ nhất đối với COC đã hoàn tất trong năm 2019 và quá trình rà soát đã được lên kế hoạch trong năm 2021. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đang làm chậm tiến độ đàm phán giữa các bên.
Ngày 18/12/2020, phát biểu tại Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) lần thứ 10 và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF) lần thứ 8 theo hình thức trực tuyến, Trợ lý Ngoại trưởng Philippines phụ trách các vấn đề ASEAN, Vụ trưởng Vụ ASEAN-Philippines Junever Mahilum-West đã bày tỏ cam kết kiên định của Philippines trong việc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982.
Trong diễn biến khác cùng ngày, quan chức Philippines cho biết giới chức nước này và Mỹ sẽ gặp nhau để giải quyết các bất đồng liên quan Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng (VFA) tồn tại từ hai thập kỷ nay.
Trước đó, tháng 2 năm ngoái, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã thông báo với phía Mỹ về việc sẽ hủy bỏ VFA, nhưng sau đó đình chỉ quyết định này. Đến tháng 11/2020, Philippines lần thứ hai đình chỉ quyết định hủy và quyết định lần này có hiệu lực trong vòng 6 tháng để phối hợp với Mỹ nhằm đạt một thỏa thuận phòng thủ chung dài hạn hơn. Ngoại trưởng Teodoro Locsin giới chức hai nước sẽ gặp nhau vào tuần cuối tháng 2.
Tổng thống Duterte cảnh báo Washington về khả năng Manila hủy VFA do không hài lòng về việc một thượng nghị sĩ và một trợ lý bị từ chối thị thực vào Mỹ. Tuy nhiên, ông đã kéo dài tiến trình đưa ra quyết định này đến sau khi chính quyền mới ở Mỹ nhậm chức.
Được ký năm 1998, VFA được coi là khuôn khổ pháp lý cho hàng nghìn binh sĩ Mỹ đồn trú tại Philippines và cho phép hai nước tiến hành hàng trăm cuộc tập trận chung thường niên cũng như triển khai các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo.