Đó là thông điệp được Ngoại trưởng Sergey Lavrov đưa ra trong buổi trả lời phỏng vấn tờ nhật báo Komsomolskaya Pravda. Theo ông Lavrov, Moskva nhận thấy nhiều nước phương Tây bài xích vô cớ các loại vaccine do Nga nghiên cứu phát triển. Trong khi đó các đầu mối như Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cùng các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ, Vi sinh Quốc gia Gamaleya – hai đơn vị đứng đầu dự án phát triển, bào chế vaccine Sputnik V, luôn phản hồi chi tiết và tức thời trước các câu hỏi phía nước ngoài đưa ra.
Trong bài phỏng vấn, Ngoại trưởng Nga đặc biệt lưu ý việc giới chức Pháp đang tìm cách chính trị hóa một vấn đề hoàn toàn khoa học và nhân đạo như vaccine. “Quan điểm đó đi ngược lại cách tiếp cận trước đó của Paris. Chúng ta nhớ lại phát biểu của Tổng thống Emmanuel Macron, người tuyên bố rằng quyết định cấp phép cho vaccine của Nga sẽ dựa trên xem xét khoa học, chứ không phải chính trị. Đồng nghiệp của tôi, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, cũng từng nói rằng sẽ không có bất kỳ trở ngại nào về phân phối Sputnik V một khi vaccine này được Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cũng như cơ quan chức năng Pháp cấp phép”, ông Lavrov nói.
Ngoại trưởng Lavrov cũng cho biết Pháp là một trong những nước đầu tiên khởi động đối thoại với Nga về vaccine và hợp tác phát triển vaccine COVID-19. Tháng 11/2020, một đoàn chuyên gia Pháp đã tới Nga và có các cuộc đàm phán, trao đổi với giới chức hàng đầu của RDIF và Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ, Vi sinh Quốc gia Gamaleya. Số này cũng đã làm quen, nắm rõ nền tảng sản xuất vaccine tại Nga.