Trong khuôn khổ chuyến công du Trung Đông, ngày 6/11, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tiến hành các nỗ lực ngoại giao con thoi giữa các nhà lãnh đạo Israel và Palestine trong nỗ lực cứu vãn tiến trình đàm phán hòa bình khu vực đang đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) công bố gói viện trợ mới trị giá 75 triệu USD cho Palestine. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Trong ngày 6/11, ông Kerry đã có hai cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Jerusalem và một cuộc gặp với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại thành phố Bethlehem ở Bờ Tây. Sau cuộc gặp ông Abbas, Ngoại trưởng Mỹ tiếp tục khẳng định lập trường của Washington coi các khu định cư Do Thái xây dụng trên vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng là "bất hợp pháp".
Đây là chuyến công du thứ 7 của ông Kerry đến Trung Đông kể từ khi nhậm chức Ngoại trưởng Mỹ hồi đầu năm nay. Trước thềm chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ, căng thẳng giữa Israel và Palestine lên cao sau phiên đàm phán bí mật giữa hai bên hôm 5/11 với sự phản đối kịch liệt của phía Palestine đối với quyết định xây thêm các khu định cư Do Thái mới được Israel đưa ra trước đó.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chỉ trích thái độ của phía Palestine né tránh những quyết định cần thiết để kiến tạo hòa bình thực sự.
Mặc dù vậy, Ngoại trưởng Mỹ vẫn bày tỏ lạc quan về triển vọng đàm phán hòa bình vì các bên đều "quyết tâm đạt được mục tiêu hòa bình bền vững trong khu vực". Ông Kerry cho rằng kế hoạch đạt được một thỏa thuận cuối cùng vào tháng 4/2014 là hoàn toàn khả thi, song nhấn mạnh cần có "những thỏa hiệp thực sự và những quyết định khó khăn" từ cả hai phía.
Cũng tại Bethlehem, Ngoại trưởng Kerry công bố Mỹ sẽ viện trợ bổ sung 75 triệu USD để tạo việc làm cho người Palestine, cũng như giúp cải thiện đường sá, trường học và hạ tầng cơ sở khác. Trước đó, Mỹ đã viện trợ cho Palestine 35 triệu USD.
Theo dự kiến, trong ngày 7/11, Ngoại trưởng Kerry sẽ gặp lại Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Amman, Jordan, để tiếp tục thúc đẩy tiến trình đàm phán.
Người Palestine muốn thành lập một nhà nước độc lập ở Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza, phần đất bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh năm 1967, đồng thời sẵn sàng điều chỉnh lại đường biên giới cho phép nhà nước Do Thái giữ một số khu định cư ở Bờ Tây như một phần của thỏa thuận "đổi đất".
Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Netanyahu kiên quyết phản đối quay lại đường biên giới trước năm 1967, cho rằng vấn đề biên giới là không thể bàn cãi. Ông Netanyahu cũng yêu cầu Palestine công nhận Israel là một nhà nước Do Thái, điều mà Palestine từ chối vì cho rằng sẽ làm tổn hại các quyền của người gốc A rập và người tị nạn Palestine.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Israel từ chối chia sẻ quyền kiểm soát khu vực Đông Jerusalem mà Palestine muốn lấy làm thủ đô.
TTXVN/Tin tức