John Kerry với sứ mạng “thổi sinh khí” cho hòa đàm

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 6/11 đã có mặt ở Israel với hy vọng có thể thổi một luồng sinh khí mới cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine. Cuộc hòa đàm dường như lại đi vào ngõ cụt và chưa thấy tiến triển nào kể từ khi ông thành công trong việc đưa hai bên quay trở lại đàm phán hồi cuối tháng 7/2013.

Ông Kerry (giữa) thăm thành phố Bethlehem ở Bờ Tây ngày 6/11.


Đây là lần thứ tám John Kerry tới khu vực Trung Đông kể từ khi nhậm chức ngoại trưởng Mỹ. Trong chuyến thăm, ông sẽ hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahhu ở Jerusalem và gặp Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ở Ramallah.


Trước chuyến đi, mặc dù Ngoại trưởng Mỹ thừa nhận hòa đàm còn nhiều khó khăn và ông không mang theo ảo tưởng nào nhưng cam kết theo đuổi mục tiêu thiết lập được một thỏa thuận cuối cùng.


Ông Nimr Hamad, cố vấn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, cho biết: Tổng thống Abbas sẽ nói với ông Kerry rằng Mỹ hoặc can thiệp trực tiếp vào hòa đàm hoặc để các cuộc đàm phán đi vào ngõ cụt. Vấn đề là Mỹ có quan tâm đến việc giải cứu sáng kiến của mình hay là phó mặc số phận của nó cho bàn tay của Israel. Ông Hamad khẳng định rằng Palestine sẽ đề nghị Mỹ đề xuất giải pháp cụ thể.


Nhiều nhà quan sát cũng cho rằng một thỏa thuận tạm thời là giải pháp tối ưu có thể đạt được trong bối cảnh hiện nay, theo đó trao cho Palestine một phần khu vực Bờ Tây và gác lại đàm phán về những vấn đề “khó nhằn” nhất.


“Giông bão” trong đàm phán lần 16


Trước khi Ngoại trưởng Mỹ có mặt ở Israel vài giờ, đoàn đàm phán của Israel và Palestine đã gặp nhau lần thứ 16 nhưng cuộc gặp vẫn đổ vỡ vì những lý do cũ.

Trong những cuộc gặp đó, hầu như không có mấy thông tin lộ ra cho báo chí vì đàm phán được tổ chức tại địa điểm bí mật và hai bên cam kết không tiết lộ gì. Tuy nhiên, cả Palestine và Israel đều thể hiện sự giận dữ khi không đạt được tiến triển nào quanh những vấn đề mấu chốt như đường biên giới của nhà nước Palestine, vấn đề an ninh, tương lai khu tái định cư Israel trong vùng lãnh thổ chiếm đóng và số phận của người tị nạn Palestine.


Bộ trưởng Nội vụ Israel Gideon Saar phát biểu với Đài phát thanh quân đội (Army Radio): “Người Palestine không đàm phán thiện chí. Họ giữ nguyên quan điểm và không linh hoạt”.


Về phía Palestine, một quan chức cho biết, cuộc đàm phán đã “sẩy chân” trong phiên họp đêm 5/11 và Palestine sẽ từ chối tiếp tục tham gia đàm phán trực tiếp chừng nào Israel chưa ngừng xây các khu tái định cư.


Từ trước đến nay, Palestine đều muốn biên giới của nhà nước Palestine tương lai là đường biên giới tồn tại trước cuộc chiến năm 1967 - khi đó Israel đã chiếm Dải Gaza và Bờ Tây. Tuy nhiên, Israel luôn thẳng thừng bác bỏ yêu cầu này. Tel Aviv cũng từ chối chia sẻ quyền kiểm soát Đông Jerusalem - khu vực mà Palestine mong muốn là thủ đô tương lai.


Nhiều năm qua, Palestine liên tục từ chối đàm phán với Israel khi nước này tiếp tục mở rộng khu định cư ở Bờ Tây và Đông Jerusalem. Dưới sức ép của Mỹ, Palestine đành chấp nhận từ bỏ điều kiện Israel chấm dứt xây khu định cư để đổi lấy việc Israel thả 100 tù nhân Palestine và lời hứa mơ hồ là sẽ hạn chế xây khu định cư. Theo kế hoạch của Mỹ, hai bên cam kết đàm phán 9 tháng để đạt được thỏa thuận hòa bình chấm dứt hàng thập kỷ xung đột. Trong trường hợp không có tiến triển gì đáng kể, Mỹ định đưa ra một đề xuất hòa bình khác.


Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN