Hôm 26/1, Ukraine, Nga, Pháp và Đức đã khởi động vòng đàm phán mới trong khuôn khổ “thể thức Normandy”, với mục tiêu giảm leo thang căng thẳng ở Ukraine trong bối cảnh Nga điều hơn 100.000 binh sĩ áp sát tuyến biên giới. Bốn bên đồng ý tôn trọng lệnh ngừng bắn và tiếp tục theo đuổi các vòng tham vấn trong hai tuần tới.
Đây dường như là bước đi đúng hướng, cho thấy đàm phán đưa tới nhận thức và hiểu biết chung, dần xóa đi nguy cơ chiến tranh. Đàm phán cũng có thể là cách thức để Nga thu được điều mình mong muốn mà không phải dùng tới vũ lực.
Bất luận nội dung thảo luận tại bàn đàm phán là gì, thực tế quan trọng nhất vẫn nằm ở chỗ ai là người tham gia và ai đứng ngoài. Mỹ, Anh - hai nước liên tục hỗ trợ vũ khí phòng thủ và hậu thuẫn ngoại giao cho Ukraine, không tham gia vào “thể thức Normandy”. Đây cũng là hai nước đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ nhất về cái giá mà Nga sẽ phải trả nếu động binh chống Ukraine.
Pháp và Đức lại là bên tỏ ra dè dặt hơn cả. Đức cho đến lúc này vẫn chưa sẵn sàng đưa ra tuyên bố loại trừ khai trương tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream 2) trong trường hợp Nga can dự quân sự ở Ukraine. Berlin cũng từ chối cho phép Lithuania, Latvia hay Estonia gửi vũ khí có nguồn gốc từ Đức sang Ukraine theo yêu cầu của Kiev. Nhiều lãnh đạo ở Ukraine xem việc Đức đưa ra đề nghị viện trợ 5.000 mũ bảo hiểm quân sự cho Ukraine là "buồn cười".
Các bên tham gia “thể thức Normandy” đồng thuận rằng điểm khởi đầu cho tiến trình đàm phán mới vẫn phải là các thỏa thuận Minsk, với mục tiêu dừng giao tranh xung đột ở miền đông Ukraine, tìm kiếm nền tảng để thúc đẩy một giải pháp hòa bình. Cả hai thỏa thuận được ký kết tại Minsk năm 2014 và 2015 (gọi tắt là Thỏa thuận Minsk I và Thỏa thuận Minsk II) đều không thành công trên thực địa.
Sau ký kết, giao tranh vẫn nổ ra dưới hình thức một cuộc xung đột cường độ thấp. Cho đến nay, đã có 14.000 người thiệt mạng do chiến sự, hơn 1,5 triệu người rơi vào tình cảnh mất nhà cửa. Thỏa thuận Minsk II đã không được triển khai, lần này là xuất phát từ phía Ukraine, bởi chính quyền Kiev coi đây là một mối đe dọa đối với an ninh, ổn định và trên hết là chủ quyền của Ukraine.
Theo Thỏa thuận Minsk II, Ukraine sẽ buộc phải thay đổi hiến pháp, trao quy chế đặc biệt và quyền tự trị rộng rãi cho nhiều khu vực thuộc vùng Donetsk và Luhansk ở miền Đông và có mối liên hệ với phía Nga. Quy chế đặc biệt này bao gồm cả điều khoản cho phép Cộng hòa Donesk và Cộng hòa Luhansk tự xưng lập các đơn vị vũ trang du kích, cùng tham gia các chiến dịch xuyên biên giới với các khu vực khác của Nga.
Tháng 12/2021, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ đã cho công bố một loạt những báo cáo, kết quả nghiên cứu sâu về xung đột Nga-Ukraine. Tài liệu đầu tiên trong loạt phân tích này cho rằng Nga có thể tạo lập trên thực địa một nguy cơ chiến tranh hiển hiện, nhưng không hề có ý định đánh chiếm Ukraine.
Mục đích của “đòn rung” này là nhằm kéo châu Âu và Mỹ vào các vòng đàm phán ngoại giao nhằm xuống thang xung đột. Nếu kết cục của “thể thức Normandy” dừng ở việc Pháp và Đức thúc ép Ukraine chấp thuận những điều khoản như trong Thỏa thuận Minsk II, Tổng thống Nga sẽ là người giành chiến thắng. Đó là một chiến thắng được châu Âu trao tận tay, cũng là một châu Âu mà Ukraine mong mỏi bấy lâu được gia nhập, gắn kết.
Ukraine khi đó khó có thể thoát ra khỏi quỹ đạo của Nga và ông Putin coi như ghi được một chiến thắng lớn mang tính biểu tượng trước phương Tây. Ngược lại, nếu phương Tây cho thấy tinh thần đoàn kết, không để Nga vượt mặt và chấp nhận hứng chịu một thất bại địa chính trị, Nga có thể sẽ quay lại giải pháp quân sự.
Đó là lý do mà Mỹ và đồng minh sẽ phải làm hai việc đồng thời. Đầu tiên, sử dụng nguồn lực ngoại giao để đạt được một nền hòa bình giúp củng cố thay vì làm phương hại tới chủ quyền của Ukraine. Kế đến là nhấn mạnh cái giá đắt mà Nga sẽ phải trả dưới các hình thức trừng phạt kinh tế, cô lập ngoại giao một khi Moskva can thiệp quân sự ở Ukraine.