Trong cuộc phỏng vấn với kênh NTV của Nga, Ngoại trưởng Sergey Lavrov nêu rõ: “BRICS không phải là một tổ chức mà là một hiệp hội. Chính vì vậy, BRICS không nên biến từ một tập hợp các quốc gia thành một tổ chức chính thức có ban thư ký”.
Quan chức ngoại giao cấp cao của Nga lưu ý điều đó là không cần thiết, “ít nhất là ở giai đoạn này” và theo quan điểm của ông là sẽ không cần thiết trong một thời gian tương đối dài. Ngoại trưởng Lavrov miêu tả BRICS là biểu tượng và mong muốn của đa số thế giới trong việc phát triển các sáng kiến của họ, có tính đến lợi ích của nhau.
Nga sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch BRICS vào năm 2024. Nhóm BRICS hiện gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, chiếm 42% dân số thế giới và 1/4 GDP toàn cầu. Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) sẽ tham gia nhóm từ tháng 1/2024. Nhóm mở rộng, được gọi là BRICS+, sẽ chiếm gần một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu vào năm 2040.
Theo Chủ tịch BRICS 2023 Nam Phi, tổng cộng có hơn 40 quan tâm đến việc thiết lập quan hệ đối tác với nhóm này. Hồi đầu tháng 10, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết BRICS có kế hoạch tổng hợp danh sách các ứng viên trước hội nghị thượng đỉnh sắp tới dự kiến tổ chức tại thành phố Kazan của Nga vào năm 2024. Theo quan chức này, một trong những ưu tiên trong năm chủ tịch BRICS của Nga vào năm tới sẽ tập trung vào việc mở rộng vòng tròn bạn bè BRICS hơn nữa, bao gồm các quốc gia ở Mỹ Latinh cũng như tăng cường thanh toán bằng tiền tệ quốc gia.
Trong cuộc phỏng vấn với China Media Group hồi tháng 10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết BRICS đang được mở rộng theo nguyên tắc đa cực toàn cầu. Theo nhà lãnh đạo, không quốc gia nào muốn đứng bên lề và hành động theo ý muốn của một số nước. BRICS là một nền tảng nơi các quốc gia có thể quan hệ với nhau một cách bình đẳng.