Tên lửa nói riêng và vũ khí Nga nói chung đã khẳng định được độ tin cậy trên thế giới. Tuy nhiên, trong một động thái khiến không ít người ngạc nhiên, Giám đốc Tổng Công ty Tên lửa Chiến thuật Nga (KTRV) Boris Obsonov nói với báo “Kommersant” rằng Syria có nhiều khu vực là địa hình sa mạc và Nga thiếu kinh nghiệm chế tạo các loại vũ khí để tác chiến trong những môi trường như thế.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông Boris Obsonov nêu rõ: “Tôi sẽ không giấu giếm sự thật này. Có nhiều thiếu sót được phát hiện trong các điều kiện thực chiến. Đối với chúng tôi, Syria đang trở thành một bài thử nghiệm quan trọng”.
Boris Obsonov nói rằng ông đã cố gắng thuyết phục quân đội Nga sử dụng các loại bom thông minh thay cho bom không có thiết bị dẫn đường ở Syria. Ông Obsonov cho biết quân đội Nga đánh giá bom không dẫn đường hoạt động khá hiệu quả nhờ một phương thức xác định mục tiêu mới.
Tuy nhiên, quan chức này không tán thành kết luận đó. Theo ông Obsonov, trong điều kiện bình thường mọi thứ hoạt động tốt, song một cơn gió mạnh trên sa mạc có thể khiến các quả bom không dẫn đường bay lệch mục tiêu vài trăm mét.
Ông Obsonov đổ lỗi của tình trạng này cho việc Nga thiếu những thao trường có điều kiện khí hậu tương tự Syria về nhiệt độ, sương mù, gió và bão cát. Chuyên gia này cho rằng ngay cả các tên lửa dẫn đường bằng laser cũng gặp khó khăn khi tác chiến thực địa tại Syria vì bị ảnh hưởng của các yếu tố môi trường.
Theo trang mạng “nationalinterest”, các cuộc chiến tại Trung Đông nói chung và Syria nói riêng đang là môi trường lý tưởng để cả Mỹ và Nga thử nghiệm các hệ thống vũ khí trong điều kiện thực chiến, trong đó có máy bay chiến đấu, trực thăng, robot tăng và tên lửa.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Andrei Boginsky, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Trực thăng Nga, thừa nhận: “Có những thiết kế máy bay khác nhau, các hệ thống vũ khí mang theo và các hệ thống phòng thủ trên khoang”.
Cơ quan Tên lửa Chiến thuật Nga (KTRV) là nhà phát triển và sản xuất hàng chục sản phẩm nổi tiếng từ tên lửa không đối không-không đối đất, ngư lôi cho tới tên lửa phòng thủ bờ biển và các hệ thống vũ khí siêu thanh.
Syria là một khách hàng truyền thống của vũ khí Nga. Kể từ khi cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và xung đột bùng phát tại quốc gia Trung Đông này năm 2011, số lượng và chủng loại vụ khí-khí tài Moskva cung cấp cho Damascus đã tăng đáng kể, trong đó có cả những hệ thống thuộc hàng tối tân nhất như xe tăng chiến trường chủ lực T-90 hay hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-300.
Tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo nước này đã hoàn tất việc giao hệ thống phòng không “Rồng lửa” S-300 đầy uy lực cho Syria.
Bộ trưởng Shoigu cho hay lô vũ khí này gồm 49 thiết bị, trong đó có các thiết bị định vị chiếu sáng, hệ thống xác định chính, xe chỉ huy và bốn bệ phóng. Hiện các chuyên gia Syria đang được huấn luyện cách điều khiển hệ thống S-300, với thời gian dự kiến trong 3 tháng.
Nga đã quyết định áp dụng các biện pháp đảm bảo an ninh cho quân nhân Nga tại Syria sau khi máy bay do thám IL-20 của Nga ngày 17/9 bị bắn hạ trên Địa Trung Hải khiến 15 quân nhân Nga thiệt mạng. Moskva cáo buộc Israel có lỗi trong việc gây ra thảm họa này khi phi công chiến đấu Israel cố tình đánh lừa hệ thống radar của phòng không Syria và dùng máy bay IL-20 làm lá chắn.
Theo giới phân tích, việc Nga cung cấp hệ thống S-300 cho Syria đẩy quan hệ giữa Moskva và Tel Aviv rơi vào cuộc khủng hoảng nghiệm trọng nhất kể từ thời điểm khôi phục quan hệ ngoại vào năm 1991. Mỹ cũng đã kêu gọi Nga cân nhắc lại động thái này.