Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moskva đã rút các lực lượng quân sự khỏi khu vực biên giới với Ukraine đồng thời kêu gọi chính quyền Kiev nhanh chóng chấm dứt tất cả các chiến dịch "trừng phạt" và quân sự tại miền Đông-Nam Ukraine; cho rằng hành động này chỉ làm tình hình tại đây thêm trầm trọng. Tổng thống Putin đã đưa ra tuyên bố trên sau cuộc gặp với Tổng thống Thụy Sĩ kiêm Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Didier Burkhalter ngày 7/5 tại Moskva.
Tổng thống Putin (phải) trong cuộc gặp Chủ tịch OSCE Didier Burkhalter. Ảnh: AFP |
Phát biểu với báo giới, người đứng đầu nước Nga khẳng định biện pháp sử dụng quân sự không phải là con đường an toàn để giải quyết tất cả những xung đột chính trị nội bộ, mà ngược lại chỉ làm trầm trọng thêm tình hình. Ông nhấn mạnh lập trường của Nga trùng với quan điểm của OSCE rằng chỉ có đối thoại trực tiếp giữa chính quyền Kiev và các đại diện miền Đông-Nam Ukraine mới là chìa khóa giải quyết xung đột hiện nay, song ông cũng nêu rõ điền kiện bắt buộc để bắt đầu cuộc đối thoại này là nhất thiết phải chấm dứt việc sử dụng vũ lực tại đây.
Tổng thống Nga Putin cũng đề nghị những người ủng hộ liên bang hóa Ukraine lùi thời điểm tiến hành cuộc trưng cầu ý dân, dự kiến vào ngày 11/5 tới nhằm xác định tương lai của khu vực miền Đông-Nam nước này, để tạo những điều kiện cần thiết cho việc tổ chức đối thoại. Người đứng đầu nước Nga cũng đã đề nghị OSCE phân tích tình hình "rất bi thảm và nghiêm trọng" tại Ukraine, đồng thời tìm ra con đường giúp nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay.
Tổng thống Putin khẳng định Moskva đã rút các lực lượng quân sự khỏi khu vực biên giới với Ukraine và cho rằng việc phương Tây nỗ lực đổ hết trách nhiệm của mình trong việc giải quyết khủng hoảng tại Ukraine cho Nga là một mưu kế. Ông cho rằng nguyên nhân dẫn đến các cuộc xung đột đẫm máu hiện nay tại quốc gia láng giềng này là do cuộc đảo chính ở Kiev hồi đầu năm.
Về phần mình, Chủ tịch OSCE Burkhalter cho rằng tổ chức một cuộc đối thoại dân tộc hiện nay giữa người dân Ukraine là rất quan trọng và thực tế, song cũng cho biết đến nay vẫn chưa có kế hoạch tổ chức hội nghị Geneva II về Ukraine. Ông Burkhalter khẳng định OSCE sẵn sàng cử 1.000 quan sát viên đến Ukraine để giám sát cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào ngày 25/5 tới.
Ngay sau lời kêu gọi của Tổng thống Nga Putin, lực lượng đòi liên bang hóa tại khu vực Donetsk, miền Đông Ukraine, cho biết sẽ cân nhắc về đề xuất hoãn trưng cầu ý dân về nền độc lập của khu vực tại một cuộc họp của hội đồng vào ngày 8/5. Phát biểu với giới báo chí, thủ lĩnh tự phong của Cộng hòa Nhân dân Donetsk Denis Pushilin nói: “Ngày mai (8/5) chúng tôi sẽ thảo luận (về vấn đề trên) tại hội đồng nhân dân. Chúng tôi đặc biệt tôn trọng Tổng thống Nga. Nếu ông Putin coi đó là cần thiết, thì chúng tôi sẽ thảo luận về vấn đề này”.
Liên quan đến tình hình Ukraine, cùng ngày, Ngoại trưởng Anh William Hague và Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Jeffrey Feltman cũng đã có các cuộc gặp với lãnh đạo chính quyền Ukraine để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế của quốc gia Đông Âu này.
Theo thông cáo từ truyền thông chính phủ, trong cuộc gặp với Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatsenyuk, Ngoại trưởng Hague, người đã đến Kiev ngày 6/5, đánh giá cao tiến triển mà Kiev đạt được trong việc thực thi thỏa thuận hòa bình Geneva hôm 17/4 giữa Nga, Mỹ, Liên minh châu ÂU (EU) và Ukraine.
Về phần mình, quyền Thủ tướng Yatsenyuk cho biết Ukraine đang phải đối mặt với vô số thách thức trong lĩnh vực an ninh và kinh tế, đồng thời, một lần nữa đề cập đến sự cần thiết của các hành động phối hợp của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Trong khi đó, Phó Tổng Thư ký LHQ Feltman, cùng ngày, cũng có cuộc gặp với Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksandr Turchynov.
TTXVN/Tin Tức