“Tôi nghĩ không ai đó hoài nghi về việc liệu chính sách hiện tại có được duy trì. Chính sách này đã, đang và sẽ được theo đuổi trong tương lai. Tổng thống là người quyết định chính sách đối ngoại và vì vậy không có gì thay đổi cũng như được thêm vào”, đài Sputnik dẫn câu trả lời phỏng vấn của Thứ trưởng Ryabkov nêu rõ.
Ông Ryabkov nhấn mạnh chính sách đối ngoại của Nga đóng một vai trò vô cùng to lớn trong cộng đồng quốc tế. “Chính sách đối ngoại của Nga đóng góp một phần không nhỏ trong việc tăng cường vị thế của quốc gia trên thế giới. Chính sách đối ngoại phục vụ cho lợi ích, cho sự phát triển tiến bộ của Nga, cũng như đảm bảo lợi ích của con người”, quan chức ngoại giao cấp cao Nga cho hay.
Tuyên bố của Thứ trưởng Ryabkov được đưa ra đúng thời điểm Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chủ trì buổi họp báo thường niên và trả lời giới báo chí về những thành tựu chính mà nước Nga đạt được trên phương diện ngoại giao năm 2019 vào ngày 17/1.
Trong hai ngày vừa qua, nước Nga đã trở thành tâm điểm của báo chí quốc tế khi Tổng thống Vladimir Putin ngày 15/1 công bố Thông điệp Liên bang lần thứ 16, trong đó ông "khởi động" cuộc cải tổ đầy bất ngờ đối với bộ máy chính phủ nước này cũng như đưa ra những đề xuất sửa đổi Hiến pháp hiện nay.
Ngay sau khi Tổng thống Putin đề xuất những sửa đổi Hiến pháp, Chính phủ do Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đứng đầu trước đó đã từ nhiệm. Tổng thống Putin đã đề cử người đứng đầu Cơ quan Thuế liên bang Nga Mikhail Mishustin, 53 tuổi, làm Thủ tướng mới của Nga.
Trong khi đó, ông Medvedev tạm thời giữ cương vị quyền Thủ tướng cho tới khi Nội các mới của ông Mishustin được thành lập, rồi sau đó chuyển sang giữ cương vị mới là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga trực thuộc Điện Kremlin.
Ngày 16/1, với 383 phiếu ủng hộ, không có phiếu chống và 41 phiếu trắng, Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) đã thông qua đề xuất của Tổng thống Putin phê chuẩn ông Mikhail Mishustin làm Thủ tướng mới. Ông Mishustin cam kết sẽ tập trung vào các vấn đề xã hội và cải thiện điều kiện sống của người dân và đặt ưu tiên vào nền kinh tế số.
Về phần mình, Tổng thống Vladimir Putin cho biết ông nhất trí với các điều khoản của Hiến pháp Nga về việc cấm một tổng thống trúng cử nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp. Đài Sputnik dẫn phát biểu của Tổng thống Putin trước giới lập pháp Nga tại Moskva ngày 15/1 như sau: “Tôi biết trong xã hội chúng ta có những suy nghĩ về quy định một người không thể giữ chức tổng thống quá hai nhiệm kỳ liên tục. Tôi không cho rằng đó là một vấn đề quan trọng, song tôi đồng ý với quy định trên”.
Bên cạnh đó, ông chủ Điện Kremlin nêu rõ ông nhất trí với đề xuất cấm các nhà lập pháp, thủ tướng cùng các quan chức cấp cao khác ở Nga có hai quốc tịch hoặc giấy phép cư trú tại nước ngoài. Ông đề xuất ban hành những lệnh cấm trên ở mức độ hiến pháp. Ông cũng bày tỏ ý muốn thắt chặt các tiêu chuẩn đối với bất kỳ ai muốn trở thành tổng thống Nga. Nhà lãnh đạo Nga cũng bày tỏ mong muốn trao quyền cho quốc hội trong việc chọn thủ tướng.
Tổng thống Putin khẳng định bất kỳ sự thay đổi nào đối với hiến pháp cần phải được người dân thông qua bằng hình thức bỏ phiếu. Tuy vậy, theo ông, nước Nga không cần hiến pháp mới bởi các giá trị pháp lý của Hiến pháp năm 1993 vẫn còn hiệu quả.