Nga ngày 6/3 đã kêu gọi Liên hợp quốc hỗ trợ để bắt đầu điều tra vụ việc liên quan tới thông tin một trong những thủ lĩnh lực lượng đối lập tại Ukraine đã thuê các tay súng bắn tỉa bắn vào những người có mặt ở quảng trường trung tâm thủ đô Kiev trong các cuộc biểu tình tại đây hồi tháng 2.Đại diện thường trực Nga tại LHQ Vitaly Churkin cho biết Moskva hy vọng Phó Tổng thư ký Jan Eliasson và Trợ lý Tổng thư ký LHQ về nhân quyền Ivan Simonović đang có mặt ở Ukraine sẽ thuyết phục chính quyền Kiev điều tra làm rõ liệu có phải thủ lĩnh phe đối lập đứng đằng sau các vụ nổ súng ở Kiev hay không.
Điều trị cho người bị thương trong xung đột tại Kiev ngày 26/2. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Trước đó, trên Internet đã xuất hiện đoạn băng ghi âm cuộc nói chuyện điện thoại giữa Ngoại trưởng Estonia Urmas Paet với Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton, trong đó Ngoại trưởng Estonia nói: "Hiện đang có sự thừa nhận ngày càng lớn (ở Kiev) rằng đứng đằng sau các tay súng bắn tỉa không phải là ông Viktor Yanukovych, mà là một ai đó trong liên minh cầm quyền mới".
Theo ông Paet, các bằng chứng cho thấy những tay súng bắn thuê này đã sát hại cả cảnh sát lẫn người biểu tình ở quảng trường Độc lập. Bộ Ngoại giao Estonia sau đó đã khẳng định tính xác thực của đoạn băng này.
Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng tuyên bố cần phải tiến hành điều tra và làm rõ nhân vật nào sử dụng vũ lực tại Kiev trong thời gian diễn ra biểu tình và những ai sát hại người dân. Người đứng đầu nước Đức nhấn mạnh, việc điều tra là cần thiết vì lợi ích của tất cả các bên, và hiện đã có nhiều bằng chứng để tiến hành điều tra.
Bất đồng về UkrainePhát biểu sau cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định vẫn còn những khác biệt giữa Nga và Mỹ trong cách tiếp cận cũng như đánh giá về cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Theo tuyên bố của Điện Kremlin ngày 7/3, ông Putin nêu rõ chính quyền mới ở Kiev, vốn lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính vi hiến, đã "áp đặt các quyết định hoàn toàn phi pháp đối với khu vực phía Đông, Đông Nam và khu tự trị Crưm".
Tổng thống Putin nhấn mạnh: "Nga không thể làm ngơ trước những kêu gọi giúp đỡ trong vấn đề này và do đó, cách hành xử của Moskva hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế".
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: THX-TTXVN |
Ngày 6/3, Cuba đã lên án việc một số nước âm mưu gây bất ổn và tìm cách lật đổ chính phủ ở Venezuela và Ukraine.
Phát biểu họp báo, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez nhấn mạnh nước ông "duy trì tình đoàn kết toàn diện" với Venezuela cũng như với Tổng thống hợp hiến Nicolas Maduro, đồng thời lên án âm mưu của các thế lực bên ngoài muốn can thiệp vào tình hình tại Venezuea.
Liên quan đến tình hình Ukraine, ông Rodriguez cũng lên án cái mà ông gọi là "hành vi đạo đức giả, tiêu chuẩn kép và khiêu khích" của Washington và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong việc lật đổ chính phủ ủng hộ Nga ở Ukraine.
|
Trong khi đó, một nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết ngày 7/3, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama về tình hình Ukraine.
Sau cuộc điện đàm, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhất trí rằng sự can thiệp của Nga vào Ukraine đang đe dọa hòa bình thế giới.
Hai nhà lãnh đạo cũng cam kết phối hợp với các đối tác Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) khác nhằm yêu cầu Nga tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết đối với chủ quyền của Ukraine".
Trong một diễn biến có liên quan, một quan chức chính phủ Nhật Bản cùng ngày cho biết nước này đang thảo luận về khả năng sẽ hoãn chuyến thăm của Tổng Tham mưu Trưởng các lực lượng vũ trang Nga, Tướng Valery Gerasimov, tới Nhật Bản vào trung tuần tháng 3 trong bối cảnh căng thẳng tiếp diễn giữa Nga và Ukraine.
TTXVN/Tin tức