Truyền thông Nga dẫn lời tướng Viktor Pankov cho biết do vụ nã súng này, chưa một người dân Syria có thể rời khỏi vùng chiến sự qua hành lang nhân đạo đến tới các khu tạm trú an toàn tại Vafidin.
Khói bốc lên sau một vụ nã rocket từ khu vực Đông Ghouta, Syria ngày 26/2. Ảnh: THX/TTXVN |
Với sự hỗ trợ của Nga, lực lượng chính phủ Syria đã tạo những điều kiện cần thiết để người dân có thể đến Vafidin an toàn và sẽ nhận được hỗ trợ y tế nếu cần thiết. Ngoài ra, những xe bus đón và đưa dân thường đến các địa điểm có thể tạm trú cũng đã sẵn sàng.
Trong khi đó, Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cũng thông báo đã xảy ra không kích nhằm vào hai thị trấn ở miền Đông Ghouta trong thời gian diễn ra "khoảng dừng nhân đạo". Theo SOHR, các máy bay trực thăng đã thả 2 quả bom xuống thị trấn Shifouniyeh trong khi một máy bay chiến đấu không kích thị trấn Aftaris. Tuy nhiên, nguồn tin từ quân đội Syria bác bỏ các thông tin này.
Ngày 26/2, Nga đã kêu gọi ngừng bắn trong 5 giờ bắt đầu từ 9h đến 14h hàng ngày hay còn gọi là "khoảng dừng nhân đạo" tại khu vực Đông Ghouta và thiết lập một hành lang sơ tán để người dân có thể rời khỏi khu vực thuộc quyền kiểm soát của phiến quân đang bị bao vây ở Syria.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày 27/2, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho biết nước này sẽ cân nhắc tham gia các cuộc không kích quân sự của Mỹ chống Chính phủ Syria nếu có bằng chứng cho thấy các vũ khí hóa học đang được sử dụng nhằm vào dân thường tại quốc gia Trung Đông này.
Trả lời phỏng vấn hãng tin BBC, ông Johnson nêu rõ nếu biết và chứng minh được rằng vũ khí hóa học đang được sử dụng nhằm vào dân thường và có một kế hoạch hành động mà nước Anh có thể đóng góp thì London sẽ nghiêm túc cân nhắc việc tham gia không kích.
Trước đó, ngày 13/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cảnh báo nước này sẽ phát động các cuộc tấn công Syria nếu có bằng chứng cho thấy chính quyền Damacus sử dụng vũ khí hóa học.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Anh được đưa ra trong bối cảnh Lực lượng Vũ trang Syria hiện đang bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở miền Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus. Mỹ cho rằng kể từ đầu tháng 1/2018 đến nay, đã xảy ra ít nhất 6 vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học clo tại khu vực do phiến quân chiếm đóng, khiến hàng chục người bị thương.
Cho đến nay, Chính phủ Syria luôn bác bỏ mọi cáo buộc của Mỹ và phương Tây về việc sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng chống chính phủ. Trong khi đó, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) hiện đang điều tra "tất cả các cáo buộc có cơ sở" về nghi vấn sử dụng vũ khí hóa học tại Syria và chưa đưa ra kết luận cụ thể nào.