Khói bốc lên sau một cuộc không kích nhằm vào IS tại Deir al-Zour, Syria ngày 3/11/2017. Ảnh: AFP/TTXVN |
Những tưởng bước đi này sẽ giúp "lò lửa" tại Syria hạ nhiệt, song tình hình chiến sự tại quốc gia Trung Đông này vẫn không hề giảm bớt mà đang ngày càng trở nên phức tạp hơn.
Chỉ trong vòng vài tiếng sau khi HĐBA thông qua nghị quyết 2401 ngày 24/2, các cuộc không kích và giao tranh hạng nặng vẫn diễn ra tại khu vực Đông Ghouta, do quân nổi dậy kiểm soát. Một đơn vị dịch vụ khẩn cấp và một nhóm giám sát chiến tranh cho biết, chỉ ngay sau khi diễn ra cuộc bỏ phiếu đồng thuận của HĐBA gồm 15 thành viên, một loạt máy bay chiến đấu đã tấn công một thị trấn tại đây. Các máy bay chiến đấu đã nã đạn xuống khu vực này suốt 7 ngày liên tiếp, khiến dân thường phải ẩn nấp trong các hầm trú ẩn. Trong 48 giờ qua, các hoạt động quân sự ở Đông Ghouta đã khiến ít nhất 30 người thiệt mạng với một số báo cáo về một vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học.
Trước đó, dù tuyên bố sẽ tuân thủ nghị quyết của LHQ về lệnh ngừng bắn, song Chính phủ Syria cho rằng những vùng ngoại ô của Damascus do những phần tử khủng bố thuộc Mặt trận Nusra, tổ chức từng là chi nhánh của Al-Qaeda tại Syria, và các tổ chức khủng bố khác, kiểm soát không nằm trong lệnh ngừng bắn này và các chiến dịch truy quét sẽ tiếp tục được triển khai tại đây.
Trong khi đó, bất chấp lệnh ngừng bắn, các lực lượng nước ngoài vẫn tăng cường "bài binh bố trận" trên những vùng lãnh thổ rộng lớn còn nằm ngoài quyền kiểm soát của chính quyền Damascus. Với lý do chống khủng bố, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố nghị quyết 2401 sẽ không ảnh hưởng đến chiến dịch quân sự "Nhành Ô liu" mà Ankara đang tiến hành tại khu vực Afrin của quốc gia láng giềng. Thậm chí, trong ngày 26/2, nước này đã triển khai lực lượng cảnh sát đặc nhiệm tới khu vực Afrin để chuẩn bị cho "một trận đánh mới" trong chiến dịch quân sự kéo dài 5 tuần tại khu vực này, bất chấp việc LHQ đang nỗ lực thúc đẩy một lệnh ngừng bắn tại Syria để tạo điều kiện cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo.
Về phần mình, Iran cũng tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc tấn công nhằm vào vùng ngoại ô Damascus do "những kẻ khủng bố" kiểm soát, dù khẳng định vẫn sẽ tôn trọng nghị quyết 2401 tại các khu vực khác. Cuộc chiến tại Syria ngày càng trở nên khốc liệt hơn khi Mỹ cho biết không có ý định rút 2.000 binh sỹ khỏi Syria ngay cả khi cái cớ để triển khai lực lượng này, cụ thể là cuộc chiến chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS), đã khép lại. Giới chức chính quyền nhiều lần khẳng định rằng các lực lượng này vẫn được duy trì tại Syria để chống lại ảnh hưởng của Iran.
Rõ ràng, nghị quyết 2401 của HĐBA khó có thể phát huy hiệu quả khi các nước vẫn đưa ra những lý lo, mà đằng sau đó là những mâu thuẫn lợi ích, để tranh giành ảnh hưởng tại Syria. Trước đó, bản thân Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia đã bày tỏ hoài nghi về tính khả thi của văn kiện này khi nhận định: "Thật ngây thơ nếu nghĩ những vấn đề nội bộ của Syria có thể được giải quyết bằng một nghị quyết". Ông nói thêm rằng Moskva "ủng hộ những ý định" sau nghị quyết này, nhưng không có lệnh ngừng bắn nào có thể thực thi "mà không có sự đồng ý của các bên tham chiến".
Giới phân tích cũng nhận định mấu chốt của vấn đề là lệnh ngừng bắn mới sẽ không được áp dụng đối với chiến dịch chống IS hay Al-Qaeda, cùng các cá nhân, tổ chức có liên quan đến khủng bố. Điều này đặt ra câu hỏi về tác động thực sự của lệnh ngừng bắn, khi các bên có thể mượn cớ chống khủng bố để tiếp tục hoạt động quân sự. Thực tế cũng cho thấy các thỏa thuận ngừng bắn trước đây vốn có kết cục không mấy khả quan trong tiến trình chấm dứt giao tranh ở Syria.
Khi viễn cảnh về việc tuân thủ nghiêm túc nghị quyết của HĐBA là khá xa vời, Nga đã kêu gọi ngừng bắn trong 5 giờ mỗi ngày hay còn gọi là "khoảng dừng nhân đạo" tại khu vực Đông Ghouta và thiết lập một hành lang sơ tán để người dân có thể rời khỏi khu vực thuộc quyền kiểm soát của phiến quân đang bị bao vây ở Syria. Mặc dù nhận được sự hoan nghênh và sự sẵn sàng hỗ trợ của LHQ trong việc sơ tán hàng trăm bệnh nhân đang mắc kẹt tại đây, song đề xuất này của Nga lại vấp phải sự chỉ trích của Anh khi cho rằng việc Moskva kêu gọi áp dụng "khoảng dừng nhân đạo" tại khu vực do phe đối lập kiểm soát là không "tuân thủ" hay "thực thi" nghị quyết 2401 vốn được Nga bỏ phiếu tán thành.
Ý tưởng về một "khoảng dừng nhân đạo" của Nga dường như cũng "lệch pha" với quan điểm của Quân đội Islam - lực lượng đối lập chính ở Đông Ghouta. Dù không phản đối đề xuất của Nga, song Quân đội Islam tuyên bố không chấp nhận việc sơ tán dân thường, ngoài những người bị thương, thông qua các hành lang nhân đạo vì điều này không nằm trong nghị quyết của LHQ. Sự mâu thuẫn này càng khiến cho đề xuất về "khoảng dừng nhân đạo" của Nga trở nên bất khả thi.
Bên cạnh đó, Nga cũng hết sức quan ngại trước thông tin về viễn cảnh đồng minh Syria có thể phải đối mặt với những hành động quân sự của phương Tây, khi mà chính quyền của Tổng thống Basha al-Assad liên tiếp bị cáo buộc tấn công phe nổi dậy Syria, trong đó có cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học. Nga cho rằng các thông tin trên báo chí phương Tây hiện nay thực chất là một cuộc chiến tuyên truyền nhằm bôi xấu hình ảnh của Damascus và tạo cớ cho phương Tây tấn công quân đội Syria. Nếu kịch bản này xảy ra, đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào cả chính quyền của Tổng thống al-Assad lẫn vị thế của Nga ở Syria.
Có thể nói, chiến trường Syria “chia năm xẻ bảy” vì sự can dự của quá nhiều bên khiến giới chuyên gia cảnh báo tình hình chiến sự tại đây ngày càng trở nên khốc liệt và phức tạp hơn với những hậu quả khó lường. Chưa bao giờ Syria lâm vào tình cảnh rối ren như hiện nay khi có quá nhiều quân đội của nhiều quốc gia cùng hiện diện trên lãnh thổ trong lúc nội bộ nước này chia rẽ nặng nề với nhiều phe phái.
Rõ ràng, Syria đang trong tâm điểm của một cuộc xung đột địa chính trị phức tạp và rộng lớn, khó có thể giải quyết bằng vũ lực. Vì vậy, bất kỳ tính toán sai lầm nào của một trong các bên đều có thể khiến quốc gia Trung Đông vốn chìm trong cuộc xung đột kéo dài suốt 7 năm qua này sẽ lại càng lún sâu hơn vào vòng xoáy bất ổn không dễ gì tìm được lối thoát.