Tháng 8/2021, Chính phủ New Zealand đã phong toả toàn quốc sau khi ghi nhận 1 ca duy nhất mắc COVID-19. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, ngày 8/3 vừa qua, khi số ca mắc mới tại nước này ở mức cao chưa từng thấy – gần 24.000 ca – nhà chức trách đề nghị các nhân viên y tế có thể đến hỗ trợ các khu điều trị COVID-19 ngay cả khi bản thân họ có triệu chứng nhẹ của bệnh.
Đây là dấu hiệu thay đổi mới nhất về cách tiếp cận của New Zealand trong ứng phó với dịch COVID-19. Các chuyên gia cho rằng các biện pháp triệt để ban đầu của New Zealand dường như đã giúp ngăn chặn được hàng nghìn ca tử vong và giúp “câu giờ” để người dân kịp tiêm phòng. Thực tế là quốc gia với 5 triệu dân này ghi nhận 65 ca tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát. Nhưng số ca nhập viện vì mắc COVID-19 đang tăng lên nhanh chóng, ghi nhận mức kỷ lục hơn 750 ca vào ngày 8/3 và khiến hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải.
Số ca nhiễm mới trên cả nước cũng tăng đột biến. Chỉ một tháng trước đây, nước này ghi nhận 20 ca nhiễm mới mỗi ngày, thì giờ đây dịch đã ảnh hưởng tới mọi nhóm đối tượng, từ nhân viên y tế tuyến đầu tới các nghị sĩ. Lãnh đạo phe đối lập Christopher Luxon vừa thông báo mắc COVID-19 hôm 7/3, đồng thời cho biết ông cảm thấy ổn và sẽ tiếp tục làm việc tại nhà.
Giáo sư Michael Baker, chuyên gia dịch tễ tại Đại học Otago, cho biết biến thể Omicron đã gây ra tình trạng lây nhiễm rộng tại New Zealand giống như ở nhiều nước khác. Theo Giáo sư Baker, trong khi đa số các nước trên thế giới đang ghi nhận tình hình dịch bệnh giảm, thì New Zealand đang ở điểm tồi tệ trong đại dịch và đối mặt với thực tế là virus sẽ tồn tại ở nước này vĩnh viễn. Ông Baker lo ngại nhà chức trách đã mất khả năng truy vết các ổ dịch khi số ca mắc đã tăng quá cao.
Phát biểu với báo giới, Tiến sĩ Caroline McElnay, phụ trách mảng y tế cộng đồng của Bộ Y tế New Zealand, cho rằng số ca nhập viện sẽ tiếp tục tăng, tuy nhiên bệnh nhân nhiễm Omicron có triệu chứng nhẹ hơn các bệnh nhân nhiễm Delta. Bà nói thêm rằng tình trạng gia tăng số bệnh nhân COVID-19 cũng như gia tăng số nhân viên y tế mắc bệnh này khiến nhà chức trách nới lỏng các quy định để nhân viên y tế trở lại bệnh viện làm việc. Bà nêu rõ các nhân viên y tế mắc COVID-19 chỉ tiếp xúc với các bệnh nhân cũng mắc bệnh này và chỉ khi không có lựa chọn nào khác. Bà nhấn mạnh: “Đây là một công cụ bổ sung, giúp hệ thống y tế có thể tiếp tục vận hành”.