Nhiều người dân than phiền về tình trạng đỏ mắt, đau họng và khó thở - những triệu chứng đáng lo ngại vì khó có thể phân biệt với những triệu chứng mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Chỉ số chất lượng không khí chung của New Delhi, đánh giá các vật chất gây ô nhiễm như bụi mịn PM2.5, tăng lên 488. Đây là mức cao nhất tính từ đầu năm tới nay và cao hơn mức 477 ghi nhận ngày 9/11. Các dữ liệu cho thấy chỉ số bụi mịn PM2.5, có thể gây các bệnh về tim mạch và hô hấp như ung thư phổi, đã lên tới những mức cao nhất kể từ tháng 11/2019 và cao hơn 30 lần so với giới hạn an toàn do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt ra.
Những số liệu trên cho thấy Delhi vừa phải đối mặt với những đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất trong nhiều năm và vừa phải đương đầu với làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 3. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng ô nhiễm một phần do tình trạng đốt rơm rạ cuối vụ thu hoạch ở những bang lân cận và một phần do khí thải từ các phương tiện giao thông ở vùng thủ đô.
Theo LocalCircles, khoảng 85% hộ gia đình ở Delhi cho biết ít nhất một người trong gia đình của họ có những triệu chứng như khó thở. Để có được kết quả trên tổ chức này đã tiến hành khảo sát trên mạng xã hội với gần 6.000 gia đình từ ngày 6 - 9/11 về tác động của ô nhiễm không khí.
Hồi đầu năm nay, không khí tại New Delhi gần như không còn ô nhiễm khi chính phủ nước này áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc để kiềm chế đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm gia tăng sau khi chính phủ dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế vào cuối tháng 8/2020.
Nhà chức trách đã cấm bán và đốt pháo trước dịp lễ hội Diwali để hạn chế ô nhiễm nhưng các chuyên gia môi trường cho rằng cần tăng cường các biện pháp, như tạm dừng hoạt động của các nhà máy khai thác than đá hay các hoạt động xây dựng xung quanh Delhi. Tuy nhiên, nhà chức trách và các doanh nghiệp đều lo ngại việc áp dụng các biện pháp này có thể tác động tiêu cực tới nền kinh tế mới chỉ vừa chớm hồi phục từ tác động của đại dịch.