Theo kênh truyền hình RT, chỉ số ô nhiễm không khí đo được tại Đại sứ quán Mỹ ở New Delhi sáng 3/11 là 810 mg/m3 – gấp 30 lần chỉ số an toàn hàng ngày của Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra là 25.
Theo tiêu chuẩn Chỉ số Cchất lượng Không khí (AQI), chất lượng không khí trong khoảng 0-50 được coi là tốt, 401-500 là nghiêm trọng và trên 500 là đặc biệt nguy hiểm. Phương tiện truyền thông cũng đưa tin một số khu vực trong thành phố đã vượt qua mức kỷ lục.
Các trường học tại những thành phố lân cận Noida và Ghaziabad bị yêu cầu đóng cửa vì ô nhiễm. Tổng cộng có 32 chuyến bay tới New Delhi trong ngày 3/11 cũng đã chuyển hướng vì tầm nhìn trong khói mù bị hạn chế.
Mỗi mùa đông đến, khói mù trở thành một yếu tố gây nguy hiểm cho thủ đô và các thành phố khác của Ấn Độ. Khói mù sinh ra từ khói xe, khí thải công nghiệp và đốt lửa quanh các trang trại mỗi lần thu hoạch xong.
Quá bức xúc trước thực trạng khói mù độc hại vây quanh thành phố, người dân địa phương đã chia sẻ những hình ảnh đáng báo động lên mạng xã hội, phô bày chất lượng không khí quá khủng khiếp xung quanh nơi ở và kêu gọi giới chính trị gia tìm cách giải quyết vấn đề.
Video khói mù che khuất tầm nhìn tại New Delhi sáng 3/11 (nguồn: RT):
Theo một nghiên cứu mới nhất thực hiện với trên 17.000 người từ khu vực Delhi và vùng thủ đô Ấn Độ (NCR), hơn 40% cư dân thủ đô New Delhi muốn chuyển đến một thành phố khác vì chất lượng không khí kém.
Về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe, 13% số người được hỏi cho biết đã phải nhập viện và 29% phải đến gặp bác sĩ. Khoảng 44% gặp vấn đề về sức khỏe liên quan đến ô nhiễm nhưng chưa gặp bác sĩ hoặc bệnh viện, trong khi chỉ 14% cho biết họ không bị bất kỳ một ảnh hưởng nào.
Trong một nghiên cứu khoa học về sức khỏe cộng đồng mới công bố, chỉ trong năm 2015, tình trạng ô nhiễm đã lấy đi mạng sống của hơn 9 triệu người trên thế giới, trong đó tại Ấn Độ là 2,5 triệu người.