New Delhi cho biết biện pháp trên, hay còn gọi là quy tắc “chẵn – lẻ” yêu cầu các ngày trong tuần mà phương tiện cá nhân được phép hoạt động trên địa bàn dựa theo số cuối trên biển số xe, có thể giảm đến 1,5 triệu xe lưu thông trên đường phố. Biện pháp này sẽ được áp dụng cho đến ngày 15/11.
Theo ghi nhận của phóng viên tờ Independent, lợi ích từ kế hoạch trên từ lâu vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Các biện pháp tương tự từng triển khai khai năm 2016 và năm 2017 chỉ giúp giảm không đáng kể đối với tình trạng ô nhiễm không khí nói chung.
May mắn, quy tắc chạy xe này cũng được công chúng chấp hành rộng rãi, sau khi tình trạng không khí tồi tệ hôm 3/11 làm giảm tầm nhìn và chỉ số chất lượng không khí đến mức trầm trọng nhất của mùa đông từ trước đến nay.
Hành khách đi tàu sáng 4/11 đã phản ánh về tình trạng đông đúc hơn bình thường tại hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô, mặc dù đã được bố trí thêm 61 toa tàu. Người lao động tại các khu thương mại như Connaught Place cũng miêu tả về sự khó khăn khi gọi xe taxi. Hãng xe Uber hay Ola đều cam kết không tăng giá trong thời gian phân chia phương tiện chẵn – lẻ.
Quy định này không áp dụng với xe taxi và xe ba bánh. Phụ nữ vẫn được lái xe riêng đi làm cũng như những người khuyết tật và một số nhân vật quan trọng. Tuy nhiên, ý thức chấp hành của người dân rất cao. Trên các trục đường chính ở New Delhi hôm đó chỉ có xe biển số chẵn hoạt động. Áp lực nên hệ thống giao thông cũng được giảm nhẹ bởi thực tế rằng các trường học đều đóng cửa do ô nhiễm.
Thủ hiến bang Delhi Arvind Kejriwal tuyên bố kế hoạch thành công với gần 100% tỷ lệ tuân thủ. Giới chức địa phương đã thông báo trước vài tuần về kế hoạch trên, đồng thời tăng gấp đôi mức phạt với người không chấp hành lên 4.000 rupee, tương đương 1,3 triệu đồng.
Bị ông Kejriwal gọi là “buồng khí đốt”, tình trạng khói bụi mùa đông độc hại ở New Delhi năm nào cũng xảy ra và do một loạt yếu tố gây nên, trong đó có việc đốt rác thải nông nghiệp ở các bang láng giềng, khí thải từ các quy trình công nghiệp và bụi từ các dự án xây dựng.
Hàng triệu quả pháo hoa dùng trong lễ hội ánh sáng Diwali cũng góp phần gây ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó, thời tiết mùa đông với nhiệt độ thấp cũng làm khói mù khó tiêu tan. Giới khoa học cùng các nhà hoạt động vì môi trường đều đang kêu gọi chính quyền đưa thêm biện pháp để ngăn chặn khói mù.
Giới chức thành phố cũng đã phân phát 5 triệu mặt nạ chống ô nhiễm cho học sinh – vài ngày sau khi cuộc khủng hoảng không khí bắt đầu do các lễ hội Diwali. (Video ông Manish Sisodia, người đứng đầu Sở giáo dục New Delhi, đạp xe đi làm hôm 4/11 vì ô tô riêng biển số lẻ. Nguồn: India Today)
Trong một khảo sát mới đây, hơn 40% cư dân thủ đô New Delhi bày tỏ ý muốn chuyển đến một thành phố khác vì chất lượng không khí kém. Cuộc khảo sát với hơn 17.000 người từ khu vực Delhi và NCR cũng cho biết 13% cư dân tin rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đối phó với mức độ ô nhiễm gia tăng, trong khi 31% người dân khẳng định sẽ ở lại và trang bị cho mình máy lọc không khí, mặt nạ, 16% tỏ ý muốn đi du lịch trong thời gian này.
Về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe, 13% số người được hỏi cho biết đã phải nhập viện và 29% phải đến khám bác sĩ. Khoảng 44% gặp vấn đề về sức khỏe liên quan đến ô nhiễm nhưng chưa đến bác sĩ hoặc bệnh viện.
Theo dữ liệu của Ủy ban kiểm soát ô nhiễm trung tâm (CPCB), chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Delhi ngày 3/11 đã gần chạm mức 1.000 tại nhiều địa điểm, cá biệt có điểm lên tới hơn 1.100. Theo tiêu chuẩn AQI, chất lượng không khí trong khoảng 0-50 được coi là tốt, 401-500 là nghiêm trọng và trên 500 là đặc biệt nguy hiểm.