Áp lực cải tổ hợp tác NATO-EU
Vấn đề khủng bố ở châu Âu sau hai vụ tấn công kinh hoàng tại Paris và Brussels, cuộc nội chiến ở Syria gây ra làn sóng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai đến châu Âu… đã đặt ra những thách thức mới cho cả NATO lẫn EU. Trong khi đó, cách thức hoạt động song song của NATO và EU thời gian qua dẫn đến lãng phí nguồn lực và hiệu quả thấp. Đó là chưa kể đến mối quan hệ không tốt đẹp của một số nước thành viên hai khối. Sự đối đầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ (thành viên NATO nhưng không phải EU) với Cộng hòa Síp (thành viên EU nhưng không phải NATO) đã khiến nhiều dự án chung NATO - EU bị một trong hai bên hoặc cả hai bên bác bỏ. Mỹ và Anh đôi khi cũng thiếu tin tưởng vào Đức và Pháp, cho rằng cặp đôi này đang tìm cách tạo ra một hình thức hợp tác song phương riêng trong lòng NATO và EU. Những bất cập trên đòi hỏi hai tổ chức phải cải tổ cơ chế hợp tác nhằm đối phó hiệu quả với các yêu cầu, thách thức mới.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg họp báo sau Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO ở Brussels (Bỉ) ngày 14/6. Ảnh: EPA/ TTXVN |
Cuộc họp tại Warsaw sẽ là một bước tiến quan trọng trong quá trình thích ứng của NATO với bối cảnh địa chiến lược mới. Tổng Thư ký Jens Stoltenberg cho biết dự kiến hội nghị sẽ thông qua “Tuyên bố chung NATO - EU". Trên mặt trận quân sự, các chuyên gia NATO gợi ý triển khai thêm 4 tiểu đoàn đa quốc gia gồm 1.000 người tại các nước phía đông (tại Ba Lan và ba quốc gia Baltic) để tăng cường trong trường hợp cần thiết. Bên cạnh đó, NATO đã quyết định tăng gấp 3 quân số của lực lượng phản ứng nhanh, lên đến 40.000 người. Dự kiến, tại hội nghị tới, các bên cũng sẽ thông qua kế hoạch hợp tác NATO-EU về an ninh mạng, hàng hải; tăng cường tập trận chung; thống nhất trong dự báo các kịch bản và phạm vi của chiến tranh kiểu mới, từ đó đề ra các giải pháp đối phó và phản ứng.
Quan hệ đối đầu với Nga
Các cuộc tập trận tăng cường, việc tái bố trí quân đội ở “sườn Đông”, cũng như việc mở rộng của NATO, đều vấp phải sự phản đối của Nga. Trước đó, Croatia và Slovenia đã gia nhập NATO trước sự giận dữ của Nga xung quanh tương lai của Balkan - một khu vực có lợi ích chiến lược quan trọng và là cái nôi của các đồng minh lịch sử ở Đông Âu.
Sau cuộc khủng hoảng Ukraine, NATO đã tạm ngừng mọi hoạt động hợp tác với Nga, song vẫn duy trì một kênh đối thoại mở thông qua Hội đồng NATO-Nga. Trong năm 2015, quan hệ hai bên bị đẩy lên căng thẳng khi NATO gia tăng các cuộc tập trận ở khu vực châu Âu. Những nấc thang căng thẳng mới đã xuất hiện sau khi NATO tuyên bố tăng cường hiện diện quân sự tại Ba Lan và vùng Baltic. Gần đây nhất là việc NATO ký kết nghị định thư kết nạp Cộng hòa Montenegro ngày 19/5 vừa qua, và chính thức được kích hoạt “lá chắn tên lửa” ngày 12/5, sau gần một thập kỷ kể từ khi Mỹ tuyên bố sẽ bảo vệ NATO trước mối đe dọa từ tên lửa của Iran. Trong bối cảnh đó, một trong những chủ đề chính của hội nghị tới sẽ là quan hệ với Nga. Tổng Thư ký Stoltenbergs cho biết NATO sẽ tham vấn Nga xem liệu có thể thống nhất về cách thức và thời gian chính xác để tiến hành cuộc gặp giữa hai bên hay không. Ông nói: “NATO muốn đối thoại với Nga nhằm xoa dịu căng thẳng và tránh để xảy ra những sự cố nguy hiểm vượt ra ngoài tầm kiểm soát”. Về phần mình, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga chưa bao giờ né tránh đối thoại, ít nhất là nếu đối thoại dựa trên lợi ích đôi bên cùng có lợi.
NATO đang áp dụng chiến thuật kép với Nga: vừa tích cực phòng thủ và răn đe mạnh mẽ vừa tăng cường đối thoại chính trị. NATO cần đối thoại với Nga vì Nga đóng vai trò quan trọng trong việc tìm lối thoát cho những cuộc khủng hoảng ở các điểm nóng như Syria hay Libya, và Nga có một ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong khi đó, chiến thuật đe dọa chủ yếu là tăng cường vũ trang cho các nước giáp Nga như Ba Lan, các nước Baltic, mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa, tăng cường tập trận và tái bố trí quân, cũng như mở rộng thêm thành viên. Tuy nhiên, chính cuộc khủng hoảng ở Ukraine và nguy cơ leo thang quân sự tại miền Đông nước này đã cho NATO thấy những giới hạn nhất định khi tính toán việc mở rộng tới đâu nhằm tránh xảy ra xung đột quân sự với Nga. Gần đây, NATO khẳng định không tìm cách đối đầu với Nga và không muốn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Tổng Thư Ký Stoltenberg nhấn mạnh trong bối cảnh căng thẳng song phương đang ở mức cao trào, sự minh bạch càng quan trọng.
Nhân tố mới
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hối thúc các nước thành viên đưa ra cam kết tăng cường chi tiêu cho quốc phòng trong bối cảnh NATO đang xây dựng một thế phòng thủ mạnh mẽ ở sườn đông. Bản thân Mỹ đã tăng gấp 4 lần ngân sách dành cho sự hiện diện ở châu Âu. Tuy nhiên, sự kiện bất ngờ “Brexit” (người Anh bỏ phiếu rời khỏi EU) đã đặt ra một vấn đề lớn về tài chính, đe dọa ảnh hưởng tới chiến lược phòng vệ mới của EU và NATO. Anh là nước đóng góp nhiều nhất cho ngân sách quân sự của EU, chi trả khoảng 15% chi phí và cung cấp các khí tài quân sự. Anh đi đầu trong chiến dịch phòng chống cướp biển “Chiến dịch Atalanta” ở vùng Sừng châu Phi, triển khai nhiều tàu tuần tra ở Địa Trung Hải và cam kết đóng góp bộ binh cho các lực lượng tham chiến của EU. Chính vì vậy, nỗ lực hợp tác quốc phòng của EU có thể sẽ là vô nghĩa nếu không có Anh.
Tuy nhiên, ngay sau cuộc trưng cầu Brexit hôm 23/6, Anh cam kết không làm ảnh hưởng tới các nỗ lực chung của EU và NATO. Giới chuyên gia nhận định Anh vẫn có thể tham gia các nhiệm vụ của EU, ngay cả khi nước này nằm ngoài khối, tương tự Canada và Na Uy - quốc gia không phải thành viên của EU. Hội nghị thượng đỉnh tới sẽ là cơ hội đầu tiên để Anh khẳng định lại cam kết với các nước Đại Tây Dương.
Với những áp lực, thách thức và nhân tố mới, NATO và EU đang đứng trước bước ngoặt lớn, đòi hỏi cả hai liên minh này phải thay đổi căn bản. Tiếp theo Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 28/6 vừa qua, Hội nghị thượng đỉnh NATO tới sẽ là nơi lãnh đạo các nước thành viên liên minh quân sự này đưa ra những quyết định quan trọng.