Khủng hoảng Nga-NATO và vai trò của vũ khí hạt nhân

Trong NATO, ngay cả khi đề cập tới việc sử dụng vũ khí hạt nhân, các nước thành viên cũng chỉ nhắc tới đối phương giả định chứ không bao giờ nhắc trực tiếp tới nước Nga.

Tổng thống Vladimir Putin ngắm khẩu súng trường vừa bắn được cả dưới nước lẫn trên cạn trong chuyến thăm nhà máy sản xuất vũ khí ở Tula. Ảnh: AFP/TTXVN

Ở thời điểm Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở thành phố Vacsava, Ba Lan sắp diễn ra, nhật báo “Le Monde” của Pháp đã có cuộc phỏng vấn ông Bruno Tertrais, chuyên gia của Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược về vai trò của vũ khí hạt nhân trong mối quan hệ chiến lược giữa hai bên.

Nước Nga giờ đã mạnh lên rất nhiều so với giai đoạn cuối cuộc Chiến tranh Lạnh. Vào giai đoạn đó, vũ khí hạt nhân luôn là vấn đề trọng tâm trong cuộc đối đầu giữa khối hiệp ước Vacsava và NATO nhưng nhìn chung Moskva thận trọng hơn trong các phát ngôn về vũ khí hạt nhân không giống như những gì Tổng thống Vladimir Putin đang làm hiện nay.

Còn đối với NATO, việc sử dụng vũ khí hạt nhân lại là một chủ đề khó nói, thậm chí là một đề tài cấm kỵ đối với một số nước. Trong NATO, ngay cả khi đề cập tới việc sử dụng vũ khí hạt nhân, các nước thành viên cũng chỉ nhắc tới đối phương giả định chứ không bao giờ nhắc trực tiếp tới nước Nga.

Thách thức của NATO là việc tìm được tiếng nói chung thể hiện tính thống nhất và kiên quyết của tổ chức này trước tình huống sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga mà theo chuyên gia Bruno Tertrais trước hết là để đe dọa và gây chia rẽ các thành viên NATO.

Về phía Nga, chưa bao giờ xảy ra sự thiếu nhất trí như vậy khi xác định đối phương. Nhưng vấn đề thực chất không nằm ở các phát ngôn mà nằm trong quyết tâm và khởi xướng của Nga (hiện hại hóa vũ khí hạt nhân, diễn tập trên quy mô lớn, thâm nhập các khu vực thuộc tầm kiểm soát của không quân và hải quân các nước thành viên NATO) kết hợp với sự mập mờ về vai trò của tên lửa và máy bay ném bom thường với vai trò của máy bay ném bom hạt nhân và tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Ông Putin thường xuyên khai thác lợi thế từ việc có vũ khí hạt nhân. Câu hỏi thực sự đặt ra là nếu chiến tranh xảy ra, ông Putin sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân thế nào? Nếu một đơn vị chiến đấu không-lục quân của Nga xâm nhập rất nhanh vào lãnh thổ một nước Baltic, liệu NATO có kịp thời bảo vệ toàn bộ lãnh thổ các nước thành viên bằng vũ khí thông thường?

Theo chuyên gia Bruno Tertrais, nên suy nghĩ về nguy cơ kết hợp việc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân và tấn công mạng của Nga. NATO cần tìm cách vô hiệu hóa các mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Nga song song với việc tự mình đe dọa đối phương bằng vũ khí hạt nhân.

Các cuộc tranh luận này sẽ làm một số thành viên không thoải mái nhưng NATO không còn lựa chọn nào khác. Trong nội bộ NATO, chỉ có ba cường quốc hạt nhân là Mỹ, Anh và Pháp là cảm thấy thoải mái trước ý nghĩ phải thể hiện rõ ràng mong muốn chống lại mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân của Nga và ngăn cản ngay khi nước này mới chớm có ý đồ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, ba nước này lại không thống nhất được về cách thức. Và người ta không cảm nhận được vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc này do Tổng thống Obama đang ở cuối nhiệm kỳ.

Điều 5 Hiệp ước Washington quy định các nước phải bảo vệ nhau nếu một nước thành viên bị tấn công. NATO cũng đã nhất trí được là trong một số trường hợp, tấn công mạng cũng có thể được coi như tấn công quân sự. Tuy nhiên, câu hỏi về một cuộc tấn công phi truyền thống với một đơn vị quân sự phi chính thức thì vẫn chưa có lời giải đáp.

Đây là vấn đề quan trọng vì mọi cuộc khủng hoảng với Nga đều bắt đầu từ các vụ việc kiểu này. Theo ông Bruno Tertrais, phải phân biệt chiến tranh truyền thống và phi truyền thống, nhìn nhận xem kiểu tấn công nào là phi truyền thống và có thể coi như cuộc tấn công quân sự truyền thống. Ông Bruno Tertrais cho rằng không cần thay đổi điều khoản 5 nhưng nên khẩn trương làm rõ và bổ sung điều này để không cho Nga có cơ hội lợi dụng.

Về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, NATO phải đưa ra một tuyên bố chung mạnh mẽ, nhưng cũng không quá cụ thể để đạt được sự đồng thuận nhưng vẫn phải đảm bảo các quyền tự do hành động, coi đó là đòn đáp trả tiêu diệt hoặc tàn phá nếu Moskva dùng vũ khí hạt nhân.

Cách nói phải vừa được 28 thành viên chấp nhận nhưng cũng phải đủ cứng rắn với Moskva. Đồng thời NATO cũng phải tránh mọi tuyên bố hoặc hoạt động mang tính kích động. Những sự kiện xảy ra trong 12 tháng vừa qua cho thấy cuộc đấu trí giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ rất có thể sẽ trở thành điểm khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng trầm trọng.

Và nước sẽ giữ được bình tĩnh nhất, có vai trò quan trọng nhất sẽ là Mỹ. Mỹ sẽ phải nói với Thổ Nhĩ Kỳ: “Nếu các bạn bị tấn công trực tiếp, chúng tôi sẽ bảo vệ các bạn, nhưng nếu chúng tôi có cảm giác là chính các bạn đã kích động đối phương, các bạn sẽ phải tự xoay xở một mình”.

TTK
NATO rậm rịch dự hội nghị với Nga
NATO rậm rịch dự hội nghị với Nga

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tiến hành hội nghị với Nga ngay sau Hội nghị thượng đỉnh của khối diễn ra ngày 8-9/7 tại Warsaw (Ba Lan).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN