Sự mở rộng nguy hiểm của NATO

Tổ chức Hiệp ước Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa công bố kế hoạch điều quân tới sườn phía Đông của khối này, sát biên giới Nga.

Theo kế hoạch, Anh, Mỹ, Canada và Đức sẽ dẫn đầu 4 tiểu đoàn đóng tại Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic. Giới ngoại giao cho biết các nhóm này sẽ hoạt động nhằm ngăn chặn sự xâm lược của Nga với tư cách một “dây bẫy”, có thể lập tức tiến hành một sự đối phó toàn diện từ NATO nếu cần thiết.

Ngày 3/7, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier lên án phương Tây “đe dọa và hô hào chiến tranh”. Ông nói: “Bất cứ ai tin rằng các cuộc diễu binh mang tính biểu tượng bằng xe tăng tại khu vực biên giới phía Đông của khối sẽ giúp tăng cường an ninh là sai lầm”.

Máy bay của quân đội Mỹ tới căn cứ không quân Lievarde ở Latvia ngày 14/6, tham gia cuộc tập trận đa quốc gia Saber Strike. Ảnh: EPA/TTXVN

Ngoài sự thật rằng phương Tây đang tính đến một cuộc chiến tranh tổng lực chống lại Nga, còn một thực tế khác là họ đang mở rộng NATO, vi phạm thỏa thuận với Liên Xô khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Khi đó, thỏa thuận giữa hai bên rất rõ ràng: Liên Xô sẽ chấp nhận sự tái thống nhất của Đông và Tây Đức và chấp nhận Đông Đức trở thành một phần của NATO để đổi lấy một lời cam kết không bành trướng từ khối này.

Như vậy, quyết định lần này của NATO sẽ là một sự bội ước, hơn bất cứ điều gì khác vốn đã kích động sự trỗi dậy quan điểm thù địch trong nước Nga chống lại phương Tây và đẩy Tổng thống Vladimir Putin ngày càng trở nên quyết đoán hơn trong nỗ lực đưa phương Tây về đúng vị trí của mình.

Giờ đây, với động thái này, việc người Nga tỏ ra tức giận là điều dễ hiểu. Hàng loạt học giả và chính trị gia thời kỳ đó, gồm cả cựu Ngoại trưởng Mỹ James Baker, người thương thuyết với Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev, đã cố gắng viết lại lịch sử và cho rằng không có lời hứa nào được đưa ra. Nhưng cả ông Baker lẫn các học giả đều không thể phủ nhận - và họ cũng không cố phủ nhận - một sự thực là vào ngày 9/2/1990, ông Baker đã nói với Gorbachev tại Moskva rằng “sẽ không bao giờ có một sự bành trướng nào về quyền lực hay quân sự của NATO về phía Đông” nếu ông Gorbachev chấp nhận sự tái thống nhất của Đức.

Để củng cố thông điệp này, ngay ngày hôm sau, Thủ tướng Tây Đức khi đó là Helmul Kohl cùng Ngoại trưởng Hans Deitrich Genscher cũng đưa ra những đề nghị tương tự với các lãnh đạo Liên Xô.

Sau đó, ông Baker đã công khai xác nhận sự đồng thuận với Ngoại trưởng Genscher trong một cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Mỹ. Đại sứ Mỹ tại Moskva thời điểm đó, ông Jack Matlock, người đã ở cùng với ông Gorbachev và Baker, cũng xác nhận rằng hai vị lãnh đạo kia đã nói những điều này. Tuy nhiên, các học giả đó đã cố tình gây khó hiểu về thỏa thuận này. Họ biện luận rằng các nhà lãnh đạo Mỹ chỉ coi những điều khoản đó là một sự đầu tư, một phần trong các cuộc đàm phán tiếp theo, và còn lâu mới là một thỏa thuận cuối cùng.

Theo đó, Mỹ hoàn toàn có thể thay đổi “sự mặc cả” và ông Gorbachev cũng chưa đưa ra lời hứa cuối cùng nào. Đây là một sự diễn giải hoàn toàn mang tính bịa đặt. Đơn giản là vì ông Gorbachev sẽ không thay đổi một cách triệt để 45 năm lịch sử Đông Đức và Liên Xô nếu không có một sự bồi thường thích đáng. Điều đó là không thể phủ nhận.

Nhưng tại sao ông Gorbachev lại yêu cầu như vậy khi Chiến Tranh Lạnh sắp kết thúc một cách êm thấm và cảm nhận chung là sự thù địch sẽ không bao giờ xuất hiện thêm một lần nào nữa và Liên Xô sẽ ngày càng gần gũi với NATO hơn, hoặc thậm chí Liên Xô còn có thể trở thành một thành viên của NATO trong tương lai?

Thực ra giai đoạn đó còn có một “bê bối” chính trị khác. Sau lưng Gorbachev, do các nhà đàm phán Mỹ đã được nhấn mạnh những hạn chế về sự hiện diện của NATO tại phía Đông trong tương lai, nên theo học giả Joshua Shifrinson, người viết về các vấn đề mới cho tạp chí xuất hản hàng quý của trường đại học Harvard, Mỹ đã bí mật lên kế hoạch cho một hệ thống hậu Chiến tranh Lạnh do Mỹ làm chủ đạo và thực hiện những bước đi để đạt được mục đích đó. Đến tháng 10/1990, các cuộc thảo luận chi tiết về tương lai của sự mở rộng của NATO bắt đầu được xúc tiến tại Bộ Ngoại giao Mỹ, bất chấp niềm tin rằng điều đó chỉ có thể diễn ra nếu Liên Xô hành xử “một cách xấu xí”.

Trái lại, trong một nghiên cứu nội bộ về NATO, Bộ Ngoại giao Mỹ đã viết rằng “chúng ta không có nghĩa vụ đảm bảo tương lai của các quốc gia ở phía Đông này và không hy vọng trong bất cứ trường hợp nào sẽ thành lập một liên minh chống Liên Xô với những nước có đường biên giới chung với Liên Xô. Một liên minh như thế có thể sẽ bị người Liên Xô nhận thức rất tiêu cực và có thể dẫn tới sự đảo lộn những xu hướng tích cực hiện nay ở Đông Âu”. Nhưng trong hơn 20 năm qua, liên minh chống Liên Xô/Nga đang ngày càng phát triển và đó là lý do tại sao Nga tiến tới đối đầu với phương Tây.

TTK
Vai trò của Ba Lan trong “Tiểu NATO” ở Trung và Đông Âu
Vai trò của Ba Lan trong “Tiểu NATO” ở Trung và Đông Âu

Các nhà chiến lược Mỹ đánh giá Ba Lan có vai trò then chốt trong vành đai các quốc gia có biên giới chung với Nga.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN