Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định hội nghị thượng đỉnh này là “cơ hội duy nhất” để làm mới mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Một nhà ngoại giao châu Âu tại NATO phân tích với Reuters: “Hội nghị thượng đỉnh với sự tham gia của Tổng thống Biden sẽ là dấu hiệu cho thế giới thấy NATO đang quay trở lại. Có nhiều biến động và thời gian khó khăn nhưng chúng ta thực sự có thể trao đổi về những điều đáng quan tâm và nhận diện các thách thức an ninh ở thời điểm này”.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết hội nghị thượng đỉnh NATO tổ chức tại Brussels (Bỉ) trong năm nay dự kiến có nhiều hạn chế do tình hình dịch COVID-19. Dự kiến trong hội nghị thượng đỉnh này 14/6, các thành viên NATO sẽ thảo luận về Nga, biến đổi khí hậu, Afghanistan và các công nghệ mới.
Ông Jamie Shea, một cựu quan chức cấp cao NATO, chia sẻ với Reuters: “Điều đầu tiên là Tổng thống Biden tái cam kết với phòng thủ tập thể của NATO”.
Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, hai hội nghị thượng đỉnh NATO mà ông dự năm 2017, 2019 đã thu hút sự chú ý của quốc tế nhưng lại khiến các đồng minh mệt mỏi khi ông gọi họ “chểnh mảng” do không chi tiêu đủ cho quốc phòng.
Khi bước chân vào Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã bãi bỏ quyết định của người tiền nhiệm Trump rút binh sĩ khỏi Đức. Tuy nhiên, vẫn tồn tại áp lực của Mỹ với các đồng minh châu Âu yêu cầu họ chi trả nhiều hơn cho an ninh. Về điều này, Tổng thư ký NATO Stoltenberg ngày 11/6 cho biết các đồng minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Canada đến cuối năm 2021 sẽ tăng ngân sách dành cho quốc phòng.
Trong một diễn biến liên quan, hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ thống nhất cải tổ khối quân sự này-chương trình có tên gọi NATO 2030. Theo đó, Tổng thư ký Stoltenberg sẽ đề ra 9 lĩnh vực NATO có thể hiện đại hóa. Ngoài ra, Tổng thư ký Stoltenberg nêu rõ: “Tôi kỳ vọng các đồng minh sẽ nhất trí về một chính sách an ninh mạng mới cho NATO”.